Hơn tháng nay, gia đình chị Nguyệt (35 tuổi, Hà Nội) luôn trong tình trạng căng thẳng do hai vợ chồng xảy ra "chiến tranh lạnh". Nguyên nhân xuất phát từ lý do hai vợ chồng thất nghiệp. Chị Nguyệt là giáo viên trường mầm non tư thục, còn chồng chị là nhân viên điều hành công ty du lịch.
Tình hình dịch bệnh hoành hành, chị Nguyệt từ sau Tết đã nghỉ không lương. Công ty du lịch của chồng chị cũng không khá hơn là bao. Do dịch Covid-19, không có khách du lịch đến Việt Nam, các tour đã đặt cũng hủy hết. Giám đốc ban đầu giảm lương nhân viên, rồi cho nghỉ luân phiên. Đến giờ thì toàn bộ đóng cửa nghỉ không lương cho đến khi tình hình khá hơn.
Hai vợ chồng chị còn có hai đứa con, tuy rằng nghỉ học ở nhà nên không phải đóng tiền học nhưng giờ ngồi "mồm ăn núi lở" chị Nguyệt cũng vô cùng xót xa. Thấy việc buôn bán online có vẻ phát đạt, chị Nguyệt xoay qua bán hàng trên mạng. Chị nấu chè để bán trên mạng.
Những ngày đầu, không ước lượng được số khách, chè nấu ra không bán hết, cả nhà phải động viên nhau ăn. Dần dần, khách đều lên, mỗi ngày chị cũng bán được vài chục cốc, chồng chị thì đi giao chè tận nhà cho khách. Trừ đi chi phí, chị cũng kiếm vài trăm ngàn chi tiêu để sống qua mùa dịch.
Nhưng mâu thuẫn phát sinh khi anh muốn chị Nguyệt giúp cô em chồng (cũng đang phải ở nhà vì dịch Covid-19) bằng cách để chè cho cô ấy nấu. Hai vợ chồng chỉ tập trung lo phát triển khách và đi đưa hàng thôi.
Chị Nguyệt không muốn vì lời lãi chẳng nhiều, khách thì cũng chỉ có ngần ấy, nếu hai vợ chồng mua lại chè của cô em (dù là mua buôn) thì cũng mất thêm chi phí. Chị tỏ thái độ và bị anh trách là "máu lạnh" không chịu giúp em lúc khó khăn.
Ức quá, chị Nguyệt cũng nổi cáu cãi lại, thế là hai vợ chồng lâm vào cảnh "chiến tranh lạnh".
"Tôi biết chồng muốn giúp đỡ em anh ấy, nhưng gia đình riêng cũng quan trọng chứ. Chúng tôi cũng chỉ vừa mới đỡ một chút, đã dư dả gì đâu mà anh ấy làm vậy. Tôi nấu chè thì mới yên tâm chứ em gái anh ấy vốn vụng về, chẳng may chất lượng không đảm bảo, mất khách như chơi", chị Nguyệt phân trần.
Tương tự như tình cảnh của chị Nguyệt, gia đình anh Micheal, người Mỹ ở Hà Nội, cũng lâm vào tình cảnh "cơm không lành, canh không ngọt". Là giáo viên dạy tiếng Anh tại trung tâm Anh ngữ, anh Micheal bị thất nghiệp khi dịch Covid-19 khiến chỗ làm của anh phải đóng cửa.
Có vợ và con nhỏ ở Hà Nội nên anh phải ở lại Việt Nam. Không đi làm, suốt ngày anh quanh quẩn ở nhà chơi với con. Thấy chồng thất nghiệp không có thu nhập, tiền chi tiêu, tiền thuê nhà lấy từ số tiền dành dụm trước đây của gia đình, trong khi dịch thì không biết bao giờ mới hết, vợ anh, chị Lam, sốt ruột lo lắng.
Từ lúc sinh con nhỏ xong, chị Lam liền nghỉ việc ở nhà trông con. Giờ chồng cũng thất nghiệp nốt nên chị vô cùng sốt ruột.
Trung tâm Anh ngữ đóng cửa vì dịch Covid-19, giáo viên người nước ngoài thất nghiệp hàng loạt. (Ảnh minh họa)
Điều khiến chị Lam lo lắng là không biết bao giờ mới hết dịch trong khi chồng chị người Mỹ không có thói quen tiết kiệm như người Việt. Nhưng cái làm chị Lam đôi khi tức phát điên là chồng Mỹ sống ở đất nước ít có ca nhiễm nên vô cùng chủ quan, thậm chí dửng dưng với virus corona.
"Ở nhà suốt ngày buồn nên thỉnh thoảng anh lại tụ tập bạn bè trên phố cổ để uống bia, giao lưu. Gặp gỡ toàn những người nước ngoài nên nguy cơ lây nhiễm rất cao. Tôi thì lo đến phát sốt phát rét, còn anh thì cứ chủ quan như không. Nhiều khi, hai vợ chồng cãi nhau cũng vì chuyện này", chị Lam cho biết.
Dịch Covid-19 đang gây ra những ảnh hưởng sâu sắc cho nền kinh tế của cả thế giới. Rất nhiều người lao động sẽ bị thất nghiệp, gia đình của họ cũng lao đao theo. Sẽ có nhiều người như chị Nguyệt, xoay sở chuyển hình để vượt qua giai đoạn khó khăn. Lại cũng có người như anh Micheal, vẫn chưa thích ứng với tình hình mới, khiến gia đình lâm vào mâu thuẫn.
Điều chúng ta cần làm bây giờ là cần gạt đi mọi sở thích, thói quen cá nhân để cùng chung sức cùng cộng đồng chống dịch bệnh. Chỉ khi dịch bệnh nhanh chóng được kiểm soát, cuộc sống của chúng ta mới có thể bình thường lại được như trước đây.