Vợ chồng trẻ khổ sở vì bố mẹ 2 bên ghét nhau, hễ gặp là gây sự

Quan niệm sống của 2 bên thông gia quá khác biệt nhau, lại không ai chịu nhường ai, khiến cái Tết đoàn viên trở nên mất vui.

Tết năm nay về ngoại hay về nội là câu chuyện muôn thuở trong nhiều gia đình. Để tránh xảy ra bất hòa giữa 2 bên, nhiều cặp đôi cố nghĩ ra những cách khác nhau để có thể đón Tết mà không lòng mất lòng gia đình mình, một trong số đó là chọn cách đón bố mẹ 2 bên tới ăn Tết cùng nhau. Tuy nhiên, cách làm này đôi khi không suôn sẻ như nhiều người vẫn tưởng, điển hình như trường hợp dưới đây.

Tiểu Vũ (Trung Quốc) và chồng muốn cùng nhau đón cha mẹ 2 bên lên thành phố ăn Tết. Vì 2 bên vốn không ưa nhau nên việc làm sao để họ chung sống hòa thuận trong những ngày Tết khiến cô rất lo lắng.

Cha mẹ của Tiểu Lục sống ở nông thôn, trong khi cha mẹ của Tiểu Vũ sống ở thành phố. Ban đầu, 2 bên gặp nhau bàn chuyện cưới xin rất vui vẻ, mọi người đều hài lòng về đối phương. Nhìn 2 bên gia đình đối xử với nhau như vậy, cặp đôi cảm thấy rất hạnh phúc.

Tuy nhiên, sau đám cưới, 2 bên thông gia nảy sinh nhiều mâu thuẫn. Cha mẹ của Tiểu Lục ủng hộ việc tiết kiệm và mong con mình nhanh chóng ổn định cuộc sống. Trong khi đó, cha mẹ của Tiểu Vũ sống ở thành phố, vốn quen với cuộc sống thoải mái nên không tán thành với quan điểm phải dè xẻn, chi li từng đồng. Việc 2 bên có ý kiến khác nhau cũng là điều dễ hiểu.

Cha mẹ của Tiểu Lục có một quan điểm khiến bên thông gia không thể chịu đựng được, đó là họ cho rằng phụ nữ cần phải biết tiết kiệm, chịu khó, hy sinh vì chồng con, gia đình. Phụ nữ phải sinh được con, không sinh được là đồ bỏ đi và nhất định phải có con trai nối dõi tông đường.

Cha mẹ của Tiểu Vũ có chút không vui, họ chỉ có một đứa con gái duy nhất, nghe những lời như vậy khiến họ cảm thấy bên gia đình nhà trai không tôn trọng con gái mình.

Sau khi biết chuyện, Tiểu Vũ liền nói chuyện với chồng. Tiểu Lục cũng không đồng tình với những gì cha mẹ mình nói. Từ nhỏ anh đã đi học ở thành phố, sự giáo dục đã thay đổi nhiều quan niệm truyền thống trong anh. Anh và Tiểu Vũ yêu nhau trên tinh thần tự do, bình đẳng, suy nghĩ cũng khác so với các bậc trưởng bối.

Tiểu Vũ cũng hiểu rõ chồng mình, biết anh sẽ không nghĩ như vậy nên cô cũng không để bụng chuyện này. Thế nhưng, cha mẹ của Tiểu Lục không nghĩ như vậy, họ thay đổi thái độ với bên thông gia. Vì vậy, 2 bên gia đình cũng dần hạn chế gặp gỡ nhau như trước, thỉnh thoảng mới có cơ hội đoàn tụ đầy đủ.

Tết năm nay, Tiểu Lục và Tiểu Vũ muốn đưa bố mẹ tới đón năm mới cùng mình. Họ cũng hy vọng 2 bên có thể cải thiện mối quan hệ.

Vài ngày trước năm mới, Tiểu Lục và Tiểu Vũ  đã nói chuyện điện thoại với cha mẹ của họ, nhiều lần nhắc nhở cố gắng đừng tranh cãi gì với nhau để có một năm sung túc, vui vẻ.

Vào ngày đầu tiên, 2 bên cũng tỏ ra lịch sự, hỏi han nhau. Sau đó, họ bắt đầu đưa ra những ý kiến về việc mua đồ vào năm mới. Kết quả là trong vòng 2 ngày, 2 bên đã cãi nhau chí chóe, không ai chịu nhường ai.

Mẹ Tiểu Lục thúc giục 2 vợ chồng nhanh chóng sinh con nhưng mẹ Tiểu Vũ lại nói thẳng: “Việc sinh con là của 2 vợ chồng nó, muốn lúc nào chẳng được, sao chị lại hối thúc chuyện này, có phải con tôi không biết đẻ đâu”.

Kết quả là 2 bên cãi nhau nảy lửa, từ việc chê mai đối phương mua thịt dở cho tới trách móc không biết bày biện mâm cúng. 2 ông bố cũng không đứng ngoài cuộc, cùng tham gia vào cuộc khẩu chiến này.  

Tiểu Lục và Tiểu Vũ thấy tình hình không ổn, vội vàng kéo cha mẹ mình sang một bên để can ngăn. 2 người phụ nữ không chịu dừng lại, còn trách móc con cái không biết giúp đỡ mình.

Lúc này, Tiểu Lục tức giận nói: “Thôi được rồi, mọi người cứ cãi nhau tiếp đi, cãi nhau xong thì ai về nhà nấy, nhà con chịu không nổi nữa rồi”.

Cha mẹ 2 bên nghe vậy mới chịu ngừng cãi nhau, họ cũng chẳng thèm nhìn đối phương, thất thần nhìn về phía con mình. Thế là cái Tết năm nay đã mất vui ngay từ mồng 1.