Tối 26/8, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội đã diễn ra liveshow đầy ý nghĩa mang tên “Tổ quốc gọi tên mình” như một bản hoan ca mừng kỷ niệm Ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (1945 - 2023), đồng thời đánh dấu cột mốc 30 năm ca hát của NSƯT Đăng Dương.
Sát giờ diễn, mưa lớn kèm sấm chớp, tuy nhiên, vượt qua bất lợi thời tiết, khán giả đến chật kín khán phòng. Đáng ghi nhận là bên cạnh những người trung tuổi, cao tuổi còn có cả những bạn trẻ háo hức chờ đợi mở màn. Nhiều người trẻ xuất hiện trong một đêm diễn nhạc đỏ cũng là điều mà Đăng Dương khao khát khi thực hiện liveshow “Tổ Quốc gọi tên mình”. Anh muốn truyền lửa tình yêu nhạc cách mạng không chỉ đến với các thế hệ nghệ sĩ trẻ mà còn với đông đảo khán giả trẻ. Bởi vậy, một tinh thần trẻ, tươi mới tràn ngập trong đêm nhạc đã giúp Đăng Dương trẻ ra rất nhiều và khiến khán giả vô cùng thích thú.
Chương trình được bố cục chặt chẽ với 3 chương: chương I - Tổ Quốc gọi tên mình, chương II - Đất nước, chương III - Đường chúng ta đi với gần 30 bài. Ca khúc "Tổ quốc gọi tên mình" là chủ đề của liveshow được chọn mở màn thắp lên ngọn lửa tình yêu đất nước trong lòng người nghe. Ngay khi tiết mục kết thúc, tràng pháo tay kéo dài không dứt cùng những tiếng hô vang tên "Đăng Dương" khiến nam ca sĩ không khỏi xúc động, cúi đầu tri ân mọi người: "Đây là live concert thứ hai của Đăng Dương nhưng cảm xúc vẫn như lần đầu tiên. Dù mưa lớn nhưng quý vị vẫn đến đúng giờ. Khi Đăng Dương mở màn với ca khúc Tổ quốc gọi tên mình khán phòng đã chật kín. Đó là điều khiến Đăng Dương vô cùng xúc động".
Điều thú vị mà “Tổ Quốc gọi tên mình” mang tới là nhiều nhạc phẩm cách mạng nhưng được hát bằng hình thức mashup hiện đại. Mashup vốn quen thuộc với các ca khúc nhạc trẻ, nhạc tình nhưng chưa được áp dụng nhiều trong dòng nhạc truyền thống. Đăng Dương và ê-kíp đã rất tinh tế, cẩn trọng khi lắp ghép các ca khúc nhạc đỏ.
Bản mashup giữa hai nhạc phẩm "Anh vẫn hành quân" với "Chào em cô gái Lam Hồng" cùng sự xuất hiện của cây Accordion - nhạc cụ phổ biến thời chiến tranh do nghệ sĩ Đào Kiên, người bạn vào trường nhạc viện cùng Đăng Dương thuở trước mang đến nhiều cảm xúc.
Mashup "Màu hoa đỏ" - "Bài ca không quên" đầy xúc cảm tri ân những người đã ngã xuống để bảo vệ Tổ Quốc. Nhiều khán giả đã rưng rưng khi màn hình sân khấu là chiếc mũ bộ đội với ngôi sao vàng rực hiện lên và từng lời hát của Đăng Dương như đưa ngược họ trở về những năm tháng hào hùng của dân tộc, lắng lại trước những bi thương, mất mát để từ đó tri ân thế hệ cha anh đã ngã xuống vì hoà bình và yêu hơn Tổ Quốc mình.
Đăng Dương có màn kết hợp cực ăn ý, hoà hợp với Đào Tố Loan khi hát “Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa” – “Áo mùa đông” để gợi lại một thuở trường kỳ kháng chiến.
“Tình đồng chí” - “Cây đàn guitar của Đại đội ba”, “Hành khúc ngày và đêm” – “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” là những bản mashup đầy hơi thở trẻ trung, tinh nghịch của Đăng Dương và OPlus. Điểm đặc biệt là phần trình diễn còn có nghệ sĩ percussion - Sò Duy Anh, chàng trai 19 tuổi.
Điểm nhấn thứ hai của đêm diễn là sự xuất hiện của tiếng đàn bầu - tiếng đàn đã dẫn Đăng Dương tới giảng đường âm nhạc.
Ngoài các bản mashup cùng nghệ sĩ khách mời, Đăng Dương còn solo 15 ca khúc khoe giọng hát đang lúc chín muồi, càng hát càng thăng hoa, cháy lửa. Đăng Dương sở hữu chất giọng cao, kịch tính nhưng cũng rất truyền cảm và rất tình. Màu sắc cổ điển rõ nét thiên về chính ca, chuyên đảm nhận các quãng cao, quãng giọng rộng, dày ấm nam tính.
Ngoài nhân vật chính, các khách mời cũng đã có những màn thể hiện riêng xuất sắc. Đào Tố Loan, Võ Hạ Trâm, OPlus mang những màu sắc khác biệt nhưng đem đến một tổng thể hài hoà, tươi trẻ cho đêm nhạc. Đào Tố Loan xử lý đầy tinh tế khi hát "Mẹ yêu con". Võ Hạ Trâm có sự chuyển giọng rất tuyệt vời từ ngọt ngào sang bi tráng trong "Trăng sáng đôi miền". Đặc biệt là OPlus với "Năm anh em trên một chiếc xe tăng" mang hơi thở mới.
Liveshow cũng cho thấy một chân dung NSƯT Đăng Dương qua 30 năm hát nhạc cách mạng rất rõ, đầy sự chân thành và đắm say. Sân khấu đêm nhạc không chiêu trò, không múa phụ hoạ, rất giản dị nhưng sang trọng như tiếng hát, con người của chính Đăng Dương. Trên sân khấu, Đăng Dương cũng không biết nói lời hoa mỹ, anh không chia sẻ nhiều về cuộc đời mình mà dùng chính tiếng hát để nói lên tất cả tình yêu của mình với nhạc đỏ. Dùng chính âm nhạc để nói lên khát vọng truyền lửa của mình.