Vào khoảng 7h00 (giờ địa phương) ngày 22/8, dây cáp của một cáp treo tại Pakistan bất ngờ bị đứt trong quá trình hoạt động khiến 8 người (7 trẻ em và 1 người lớn) mắc kẹt ở độ cao 900 feet (tương đương 274 mét).
"Tình hình của chúng tôi rất bấp bênh, vì chúa hãy làm điều gì đó" - Gulfaraz, người lớn duy nhất trên cáp treo nói với kênh truyền hình địa phương Geo News qua điện thoại.
Hình ảnh cho thấy buồng cáp treo bị đứt một bên và lơ lửng trên độ cao 274 mét với 8 người bên trong
Được biết, 8 người có mặt trên cáp treo là học sinh và giáo viên của trường trung học công lập Battangi Pashto nằm tại vùng núi hẻo lánh Battagram, cách thủ đô Islamabad của Pakistan 120 dặm về phía Bắc. Các phương tiện truyền thông cho biết, 6 trẻ em trên cáp treo đều ở độ tuổi từ 11 đến 15 và đây là hình thức di chuyển duy nhất giúp thầy trò có thể đến trường.
16 tiếng giải cứu nghẹt thở
Ngay khi vụ việc xảy ra, một nhiệm vụ giải cứu bằng trực thăng đã lập tức được tiến hành. Tuy nhiên, việc sử dụng trực thăng đã khiến cho áp suất không khí xung quanh khu vực cáp theo bị ảnh hưởng. Việc này đã khiến 8 người bên trong chiếc cáp treo ọp ẹp vô cùng hoảng loạn. Thậm chí, một đứa trẻ đã ngất lịm đi vì quá sợ hãi.
Ban đầu, đội cứu hộ sử dụng trực thăng để giải cứu
Chia sẻ về quá trình giải cứu, quan chức chính quyền địa phương Tanveer-ul-Rehman gọi nỗ lực này là một "hoạt động tinh tế đòi hỏi độ chính xác tỉ mỉ".
"Máy bay trực thăng không thể tiếp cận gần cáp treo vì áp suất không khí của nó có thể làm đứt dây xích duy nhất" - ông nói thêm.
Nhiều người thân tập trung ở khe núi theo dõi tình hình và cầu nguyện
Trong quá trình giải cứu, nhiều người dân bao gồm phụ huynh của các học sinh trên cáp treo đều vô cùng lo lắng. Họ đứng gần khe núi và cùng nhau cầu chuyện cho sự an toàn của mọi người và khóc ngất mỗi lần nghe thấy tiếng la hét của đám trẻ khi áp lực của chiếc trực thăng khiến cáp treo rung chuyển.
"Các bậc phụ huynh tập trung tại địa điểm xảy ra vụ việc. Họ chẳng thể làm gì ngoài việc chờ lực lượng cứu hộ đưa con mình ra ngoài. Tất cả chúng tôi đều lo lắng. Các bậc cha mẹ và phụ huynh khóc ngất vì sự an toàn của con cái họ".
An toàn trở về
Qúa trình giải cứu được cập nhật liên tục trên các phương tiện truyền thông
Do nhiệm vụ giải cứu bằng trực thăng quá nguy hiểm, cuối cùng, đội cứu hộ đã quyết định sử dụng phương pháp là để một người di chuyển bằng dây cáp đến khu vực buồng cáp treo và giải cứu từng người một.
Talaat Masood, một tướng quân đội Pakistan đã nghỉ hưu nói với BBC rằng việc sử dụng cáp treo để cứu những đứa trẻ bị mắc kẹt sẽ là "thử thách nhẹ nhàng hơn" so với việc sử dụng trực thăng vào ban đêm, đặc biệt là trong tình trạng gió giật mạnh và chỉ còn một dây cáp duy nhất chưa bị đứt.
Cuối cùng, sau khoảng 16 giờ đồng hồ nỗ lực giải cứu xuyên đêm cực căng thẳng của đội cứu hộ, những người cuối cùng đã an toàn trở về với mặt đất. Đoạn phim cảm động cho thấy 2 trong số những thanh niên được giải cứu thành công đã nhận được sự cổ vũ và vỗ tay từ rất đông người dân phía dưới. Ngay sau đó, những cậu bé này đã được đội y tế chăm sóc và cấp cứu kiểm tra tình hình và đưa về với cha mẹ.
Sau vụ việc, Thủ tướng tạm quyền Anwaar-ul-Haq Kakar cũng đã ban hành chỉ thị kiểm tra tất cả các cáp treo ở khu vực miền núi và đóng cửa ngay lập tức những cáp treo không ''tuân thủ an toàn''.
8 nạn nhân được giải cứu thành công sau vụ việc kinh hoàng
Nguồn: Dailymail