Ngày 22/5/2011, thiếu niên Mã Kim Khố, 18 tuổi (Trung Quốc) dùng rìu chém một cặp mẹ con hơn 20 nhát khiến họ chấn thương sọ não nặng và tử vong. Mã sau đó cướp tiền và một chiếc xe rồi bỏ trốn.
Ngày 1/3/2012, Tòa án Nhân dân Trung cấp số 2 Bắc Kinh tổ chức xét xử công khai Mã Kim Khố về "tội cố ý giết người" và "tội trộm cắp". Trước sự lên án của gia đình nạn nhân, Mã Kim Khố không hề thấy tội lỗi mà bình thản cúi chào quan toà, mỉm cười và lặp đi lặp lại câu nói: "Xin hãy thi hành án tử hình ngay lập tức!".
Sự coi thường cái chết của Mã khiến tất cả những người có mặt trong phiên toà đều ớn lạnh...
Mã Kim Khố
Gia đình đầu tiên đánh đập, bạc đãi
Ở tuổi 18, cuộc đời Mã Kim Khố đầy sóng gió và bất hạnh. Cậu ta có đến "3 người cha và 2 người mẹ". Từ lâu, Mã Kim Khố đã chẳng muốn sống nữa.
Mã Kim Khố, tên thật là Tiền Trung Minh, sinh năm 1993 tại huyện Du Thụ, tỉnh Cát Lâm. Bố đẻ của Tiền Trung Minh, Tiền Bảo Sinh là một kẻ nát rượu, cục cằn, ngày nào cũng lê la đến sòng bạc. Mỗi khi thua bạc, hắn ta lại uống rượu, uống vào lại đánh vợ. Mẹ đẻ của Tiền Trung Minh - Phàn Thủ Lệ là một phụ nữ nông thôn truyền thống, 19 tuổi đã có con.
Phàn cứ ngỡ sự ra đời của con trai sẽ khiến chồng thay đổi. Nhưng kết cục là Tiền Bảo Sinh ngày càng nghiện cờ bạc hơn. Thời điểm Phàn Thủ Lệ mang thai, Tiền Bảo Sinh đối xử với vợ cũng không hề tử tế hơn. Hắn ta thậm chí còn lục lọi đồ đạc, lấy cả tiền mua sữa bột của con đi đánh bạc, và đánh đập vợ khi cô quỳ xuống van xin. Toàn bộ số tiền tiết kiệm trong nhà đều bị Tiền Bảo Sinh mang đi đánh bạc hết.
Một thời gian sau, không chịu đựng được nữa, Phàn Thủ Lệ đâm đơn ly hôn khi con trai mới được vài tháng và giao con cho chồng nuôi. Phàn Thủ Lệ nghĩ rằng, dù Tiền Bảo Sinh có tàn nhẫn đến đâu cũng không đến mức trút giận lên con mình.
Chẳng mất bao lâu, Tiền Bảo Sinh đã lấy vợ mới. Thấy chồng thờ ơ với gia đình, vợ mới thường xuyên đánh đập, mắng mỏ cậu con trai chồng là Tiền Trung Minh.
Năm 1997, khi Tiền Trung Minh 4 tuổi, bố cậu ta bị kết án tử hình vì tội giết người cướp của. Chồng chết, mẹ kế của Tiền Trung Minh càng đánh đập, mắng mỏ cậu nhiều hơn. Có lần, bà ta đột nhiên cầm chổi lao vào đánh con chồng đến toé máu nhưng chẳng thèm quan tâm. Hai năm sau, bà ta không muốn nuôi Tiền Trung Minh nữa nên đã trả lại cậu ta cho mẹ đẻ là Phàn Thủ Lệ.
Gia đình thứ hai không hoà thuận
Lúc này, Phàn Thủ Lệ đã có gia đình mới. Khi về ở với mẹ đẻ, Tiền Trung Minh mới có 6 tuổi nhưng trông gầy gò, yếu ớt, không có chút sức sống. Không chỉ vậy, cậu ta còn bị lác mắt và điếc một bên tai, hậu quả từ những trận đòn của mẹ kế.
Tức giận, đau khổ, Phàn Thủ Lệ quyết bù đắp cho con trai. Để bắt đầu lại, Phàn đổi tên cho con là Mã Kim Khố, nghĩa là "tận hưởng vinh quang và sự giàu có".
Sau đó, Phàn Thủ Lệ cho con đeo kính để điều chỉnh thị lực. Ban đầu, cô định cho con đến bệnh viện để phẫu thuật màng nhĩ nhưng vì không đủ tiền nên phải tạm hoãn. Cha dượng của Mã Kim Khố đã nhìn thấy tất cả những điều này.
Dưới sự chăm sóc của mẹ, Mã Kim Khố cảm nhận được sự ấm áp chưa từng có. Cậu ta ngoan ngoãn giúp mẹ làm việc nhà. Thành tích học tập của Mã ở lớp cũng rất tốt, luôn xếp hạng cao trong lớp. Những tự ti, tổn thương ngày trước của cậu ta dường như biến mất.
Tuy nhiên, những gì xảy ra sau đó đã đẩy Mã Kim Khố xuống vực thẳm.
Mã Kim Khố đã giữ vững vị trí đứng đầu lớp kể từ năm lớp 2. Trong kỳ thi vào trung học cơ sở, với số điểm xếp thứ 50 thành phố, cậu được nhận vào trường Trung học thực nghiệm Vũ Xương, tuy nhiên học phí trường này lên tới 6.000 NDT/3 năm học.
Cha dượng luôn chỉ trích Mã Kim Khố, cho rằng cậu chỉ cần học ở trường bình thường là được, nhưng Phàn Thủ Lệ nhất quyết muốn con học ở trường tốt. Vì lẽ đó mà 2 vợ chồng cãi nhau. Không còn cách nào khác, Phàn Thủ Lệ lén vay 6.000 NDT ở bên ngoài để cho con trai đi học. Việc này dẫn đến vợ chồng tiếp tục cãi vã.
Mã Kim Khố nghe mẹ khóc qua điện thoại, nghĩ rằng mình là nguyên nhân khiến mẹ và cha dượng cãi nhau nên rất khó chịu. Cũng trong thời gian này, Phàn Thủ Lệ sinh cho chồng một cô con gái. Mã Kim Khố vì vậy càng tin rằng, mình có thể bị bỏ rơi.
Vì sự xuất hiện của em gái, cuộc sống gia đình bắt đầu cần nhiều khoản chi tiêu hơn. Mã Kim Khố nghĩ, chỉ cần mình bỏ học thì mẹ và cha dượng sẽ không cãi vã, bớt đi khoản chi tiêu, mặc dù trong lòng rất muốn sau này sẽ được học đại học.
Sau khi bỏ học, Mã Kim Khố cũng lấy hết can đảm mời cha dượng cùng nấu ăn với hy vọng xoa dịu mối quan hệ gia đình. Đáp lại, cha dượng quát cậu "Biến đi", điều này triệt để phá vỡ quan hệ giữa hai người và khiến tâm hồn Mã Kim Khố rơi vào tăm tối.
Cậu thường nói với mẹ: "Mẹ ơi, sống thì mệt mỏi, nhưng chết thì dễ lắm".
Đầu năm 2009, Phàn Thủ Lệ ly hôn, cùng con trai Mã Kim Khố - 16 tuổi và con gái chuyển từ thị trấn Sa Hà Tử, thành phố Vũ Xương, tỉnh Hắc Long Giang đến Mã Các Trang, ngoại ô phía đông Bắc Kinh. Gia đình thứ 2 của Mã Kim Khố đã kết thúc như vậy.
Gia đình thứ ba không thân thuộc
Sau khi ly hôn, vì bận kiếm tiền nên Phàn Thủ Lệ dần bỏ bê con trai. Vào mùa xuân năm 2009, Phàn Thủ Lệ mong muốn con trai đi làm, tự lập nên đã tận dụng các mối quan hệ của mình để xin cho con một công việc trong cửa hàng sửa chữa ô tô.
Tại nơi làm việc, Mã Kim Khố thường xuyên bị các công nhân nhà máy cười nhạo là "đồ mắt lác", "đồ điếc". Bất cứ khi nào nghe thấy những lời chế nhạo này, Mã Kim Khố đều cãi vã với họ, nhưng càng cãi, Mã Kim Khố càng bị trêu nhiều hơn.
Vì lý do này, Mã Kim Khố thường giấu con dao làm bếp dưới gối và đe doạ người xung quanh nếu còn cố tình cười nhạo mình.
Mặt khác, ngay sau khi chuyển đến ngoại ô Bắc Kinh, Phàn Thủ Lệ lại kết hôn tiếp. Để tạo điều kiện cho con gái đi học dễ dàng hơn, gia đình 5 năm người gồm bà ngoại, Phàn, chồng mới, Mã và em gái chen chúc trong một ngôi nhà rộng hơn chục mét vuông ở Mã Các Trang. Càng ngày, mọi thứ càng trở nên tồi tệ hơn.
Phàn Thủ Lệ vẫn cảm thấy có lỗi với con trai. Cô dành dụm 3 tháng lương để mua cho con một chiếc máy tính cũ. Mã Kim Khố đang ở tuổi thiếu niên, ngoài làm những công việc lặt vặt, cậu dành thời gian còn lại để vùi mặt vào thế giới Internet. Chỉ bằng cách này, Mã mới có thể trốn thoát khỏi thế giới thực và tránh được nỗi đau do chứng mất ngủ gây ra.
Cha dượng và mẹ đều bận rộn làm việc trong nhà máy, em gái thì vẫn còn nhỏ nên Mã Kim Khố chủ yếu sống cuộc sống một mình. Gia đình thứ ba không cho cậu cảm giác thân thuộc. Khi ở một mình, Mã yêu thích các loại tiểu thuyết võ thuật, thích tinh thần hiệp sĩ táo bạo trong tiểu thuyết.
Ngày 14/2/2011, Mã Kim Khố theo người thân đến làm bốc vác cho một công ty thương mại ở quận Triều Dương, Bắc Kinh và sống trong một căn phòng ở sân phía nam của công ty. Trong công ty, Mã Kim Khố tuy là người khuân vác nhưng thực tế lại được coi là lao động tự do. Cậu ta thường bị sếp yêu cầu làm những công việc ngoài nhiệm vụ như trông trẻ, sửa bóng đèn,...
Dù rất tức nhưng Mã Kim Khố cố kìm nén. Tuy vậy, nhiều lần cậu ta nghĩ đến cái chết, từng mua thuốc ngủ và định uống. Thế nhưng, Mã không muốn rời xa mẹ. Ngày nhận lương, Mã lập tức đưa mẹ 200 NDT và mua một món quà cho người em họ đã giúp đỡ mình.
Được biết, Mã Kim Khố cũng đã có một cô bạn gái. Nhờ Internet, Mã đã liên lạc được với người bạn cùng lớp cấp hai, một người "xinh đẹp và tốt bụng". Cậu ta rất yêu thích bạn gái của mình và hứa sẽ kiếm cho cô "100 triệu NDT".
Một ngày nọ, bạn gái nói muốn mở một cửa hàng. Sau khi Mã Kim Khố biết chuyện đã lập tức đi quyên góp tiền khắp nơi. Cậu ta mượn mẹ 500 NDT, nhưng Phàn Thủ Lệ chỉ có 200 NDT.
Không nỡ đòi những đồng tiền mẹ vất vả mãi mới kiếm được nên Mã đã trả lại mẹ 200 NDT và mượn ông chủ công ty lần lượt 800 NDT và 500 NDT, nói "có thể trừ vào lương". Tuy nhiên, ngày 21/5/2011, Mã bị bạn gái chia tay vì lý do nghèo khó, không thể lo cho cô.
Thất tình, Mã Kim Khố một mình uống bốn chai bia, làm việc chăm chỉ đến bốn giờ sáng mới ngủ thiếp đi. Cậu ta lúc ấy chỉ mong có thể ngủ thật say mà không bị ai quấy rầy.
Bi kịch xảy ra!
Chủ nhật ngày 22/5/2011, theo quy định, cán bộ công nhân viên được nghỉ một ngày. 6 giờ sáng, Mã Kim Khố đang ngủ say thì bị đánh thức bởi một cuộc điện thoại, là ông chủ bảo cậu ta dậy giúp dỡ hàng.
Mã lúc này rất bức xúc, mất bình tĩnh, vốn tưởng rằng chủ nhật có thể nghỉ ngơi thật tốt, nhưng ông chủ lại bắt làm thêm việc. Dù có bất mãn đến đâu, cậu ta vẫn phải dậy, nhưng lại để làm một việc khác.
Mã chạy đến căng tin bỏ mấy chục viên thuốc ngủ vào đồ ăn, nghĩ thầm: "Mọi người đều ngủ rồi, không cần phải làm việc". Ngay sau khi ăn, ông chủ cùng một số nhân viên liền cảm thấy không khỏe và lần lượt vào viện.
Đạt được mục đích, Mã Kim Khố tưởng mình có thể nghỉ ngơi thoải mái nhưng con dâu của ông chủ, cô Y, lại đến yêu cầu cậu ta thay bóng đèn và trông con giúp mình.
Cơn tức giận tích tụ của Mã bùng nổ, cậu ta hét thẳng vào mặt cô con dâu, nói rằng mình không muốn làm việc. Bị nhân viên quát, cô Y cũng tức giận và chửi mắng lại: "Cậu chỉ là nhân viên làm thêm, tôi có thể yêu cầu cậu bất cứ điều gì". Chính điều này khiến Mã lao vào trong góc, lấy chiếc rìu và chém nhiều nhát vào người mẹ con cô Y.
Sáng hôm sau, nhân viên công ty phát hiện xác của 2 mẹ con cô Y bê bết máu và ngay lập tức gọi cảnh sát. Ngày 24/5/2011, Mã Kim Khố bị bắt.
Gia đình nạn nhân cầm di ảnh
Vào ngày 1/3/2012, Mã Kim Khố đứng trước toà, bĩu môi và cười. Cậu ta cho biết, không có mâu thuẫn hay thù hận gì với cô Y, chỉ là bản thân lúc đó đang "rất buồn ngủ".
Luật sư bào chữa của Mã Kim Khố hy vọng thẩm phán sẽ xem xét những khiếm khuyết trong tính cách của Mã và tuyên cho cậu ta một mức án nhẹ hơn, nhưng Mã tỏ ý không muốn bào chữa và muốn nhận bản án tử hình.
Vào ngày 11/12/2013, Mã bị kết tội cố ý giết người và bị kết án tử hình, thời gian chờ thi hành án là 2 năm. Ngày 14/10/2016, bản án giảm xuống còn chung thân. Sau khi biết tin, Mã Kim Khố vốn luôn tươi cười bỗng trở nên vô cảm. Có lẽ đối với Mã, sống còn đau khổ hơn là chết.
Nhìn lại vụ án của Mã Kim Khố, nhiều chuyên gia giáo dục, tâm lý học đều nhận định, tuổi thơ bất hạnh, sống trong tới 3 gia đình không hạnh phúc, không được giáo dục đầy đủ đã khiến tính cách của Mã Kim Khố trở nên biến chất. Cậu ta tự ti, sống khép kín, không thể hoà nhập với xã hội, không được tôn trọng, không được quan tâm đến cảm xúc cá nhân.
Sự u ám tích tụ lâu ngày trong lòng một khi mất kiểm soát đã phun trào như núi lửa.
Có người nói rằng: Nếu cha mẹ vắng mặt trong tuổi thơ của con, họ có thể sẽ bỏ lỡ cả cuộc đời của con. Mong rằng, trên cuộc đời này sẽ không có một Mã Kim Khố thứ 2, thứ 3,...