Vụ án Thái Thiên Phượng: Khuôn mặt người mẫu được tái tạo bằng công nghệ in 3D

Tang lễ người mẫu Thái Thiên Phượng đang được gia đình chuẩn bị. Một nguồn tin cho biết gia đình cô lên kế hoạch thuê công ty công nghệ cao ở nước ngoài, sử dụng dịch vụ trang điểm và in ấn 3D để tái tạo khuôn mặt người đã khuất, phục vụ cho đám tang.

"Khuôn mặt của người mẫu Thái Thiên Phượng dự kiến được tái tạo bằng công nghệ in 3D để người thân bày tỏ sự thương tiếc, tổ chức tang lễ chỉn chu cho cô sau vụ bị sát hại kinh hoàng hồi tháng 2", tờ SCMP đưa tin.

Lễ viếng dự kiến diễn ra tại Nhà tưởng niệm Po Fook ở Tai Wai (Hong Kong, Trung Quốc) ngày 18/6. Gia đình sẽ đặt toàn bộ nhà tang lễ để lo liệu hậu sự cho người mẫu xấu số. Một ngày sau đó, thi hài của cô được đưa đến tu viện Po Lin, đảo Lanta, thực hiện hỏa táng.

Một nguồn tin cho biết gia đình Thái Thiên Phượng đã lên kế hoạch thuê công ty công nghệ cao ở nước ngoài, sử dụng dịch vụ in ba chiều và trang điểm để tái tạo khuôn mặt cho người đã khuất. Từ đó người thân, bạn bè có thể nhìn thấy hài cốt một cách trang trọng nhất, nếu cần thiết.

Vụ án Thái Thiên Phượng: Khuôn mặt người mẫu được tái tạo bằng công nghệ in 3D - Ảnh 2.

Nhiều bộ phận cơ thể của Thái Thiên Phượng vẫn bị mất tích sau vụ sát hại cô vào cuối tháng Hai (Ảnh: Instagram/xxabbyc)

Vụ án giết người ghê rợn được đưa ra ánh sáng ngày 24/2 khi cảnh sát tìm thấy một số bộ phận cơ thể của người mẫu 28 tuổi tại tầng trệt căn hộ ở làng Long Vĩ, Tai Po. Nhiều cuộc tìm kiếm quy mô lớn được cảnh sát thực hiện nhưng không thu được kết quả. Sau khi hoàn thành các cuộc xét nghiệm AND, hài cốt nạn nhân được trao lại cho gia đình cuối tháng trước.

Theo SCMP, một số nhà tang lễ ở Trung Quốc đã sử dụng công nghệ in 3D để khôi phục khuôn mặt của người quá cố bị biến dạng.

Họ quét ảnh của người quá cố do người nhà cung cấp để xây dựng mô hình 3D, thường hoàn thành trong vòng hai giờ. Mặt nạ 3D sau đó được làm trong vòng một ngày bằng nhựa, thạch cao, silicone và sợi trước khi đưa đến giai đoạn trang điểm và đội tóc giả. Tuy nhiên, chưa rõ gia đình Thái Thiên Phượng có chọn phương pháp này không.

Những người trong ngành cho hay việc sử dụng công nghệ in 3D để tái tạo khuôn mặt cho các đám tang là rất hiếm ở Hong Kong (Trung Quốc) vì lo ngại về chi phí và thời gian.

Ông Kwok Hoi-pong, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tang lễ ở Hong Kong (Trung Quốc) chia sẻ việc sử dụng công nghệ in 3D để khôi phục khuôn mặt bị biến dạng là chưa từng có, mặc dù một số gia đình đã chọn sử dụng mặt nạ silicon được thiết kế riêng.

"Công nghệ hiện tại cho phép sử dụng mặt nạ silicon, nhưng điều đó rất hiếm vì mất quá nhiều thời gian" - ông Kwok nói.

Theo ông Kwok, sẽ mất vài tháng để sản xuất một chiếc mặt nạ silicon cho người quá cố. Các chỉ số đo đạc được gửi ra nước ngoài để tạo khuôn và đúc thành silicone. Mặt nạ sẽ được đặt trên hộp sọ của người quá cố để người nhà tiễn biệt lần cuối.

Giám đốc tang lễ tiết lộ có nhiều mức chi phí, tùy thuộc vào người thực hiện và mức độ tái tạo các bộ phận trên khuôn mặt. Ông cho biết chi phí tái tạo toàn bộ khuôn mặt có thể lên tới 6 con số tính bằng đô la Hong Kong.

Jay Tse, chủ sở hữu của VPrint3D Limited ở Kwai Chung nói công ty của ông đã tạo ra các bộ phận cơ thể chủ yếu để sử dụng trong y tế, đồng thời cho biết chi phí sản xuất đầu bằng polyme có thể lên tới 5.000 HKD (638 USD) với điều kiện họ có đầy đủ dữ liệu về cấu trúc hộp sọ của người đã khuất.

Peggy Yuen, giám đốc điều hành của MakeOmnia, công ty cung cấp giải pháp in 3D ở Hong Kong (Trung Quốc) cho biết công nghệ này có thể được sử dụng để sản xuất các bộ phận cơ thể người nhưng chỉ một số công ty trong thành phố có khả năng in sinh học.

"Nhiều trường hợp in sinh học ở Hong Kong (Trung Quốc) nhằm mục đích y tế trong các đại học hoặc bệnh viện, chẳng hạn như sản xuất tế bào ở người hoặc một bộ phận giả với các tế bào gốc. Không có nhiều công ty ở đây có thể in sinh học" - cô nói.

Vụ án Thái Thiên Phượng: Khuôn mặt người mẫu được tái tạo bằng công nghệ in 3D - Ảnh 3.

Theo những người trong ngành, việc sử dụng công nghệ in 3D để tái tạo khuôn mặt cho các đám tang là rất hiếm ở Hong Kong (Trung Quốc) vì lo ngại về chi phí và thời gian (Ảnh: Instagram/xxabbyc)

Quảng Cảng Trí (tên tiếng Anh: Alex Kwong, 28 tuổi, thất nghiệp, chồng cũ nạn nhân), Quảng Cảng Kiệt (31 tuổi, tài xế riêng, anh chồng) và Quảng Cầu (65 tuổi, bố chồng của nạn nhân) bị buộc tội giết người.

Mẹ chồng cũ của Thái Thiên Phượng là Lý Thụy Hương, 63 tuổi, bị buộc tội cản trở người thi hành công vụ, bị từ chối bảo lãnh.

Hai kẻ tình nghi khác là Lâm Thuấn (bạn thân Quảng Cảng Trí) và Phan Xảo Hiền (bạn gái Quảng Cảng Trí) đang ở diện giúp sức cho nghi phạm giết người bỏ trốn.

Sáu nghi phạm đã xuất hiện tại Tòa án Thành phố Cửu Long hôm thứ hai. Cơ quan công tố xác nhận tất cả nghi phạm liên quan đến vụ giết người đã bị bắt giữ.

Các cuộc kiểm tra ADN ban đầu kết luận vết máu bên trong xe của Quảng Cảng Kiệt, hộp sọ và chân được tìm thấy trong ngôi nhà xảy ra án mạng đều thuộc về Thái Thiên Phượng. Một chiếc áo khoác có chứa ADN của bà Lý Thụy Hương cũng được tìm thấy tại hiện trường.

Bên công tố đã xin hoãn phiên tòa lần thứ hai vì cảnh sát cần thêm thời gian để kiểm tra hơn 30 vật phẩm bị tịch thu từ hiện trường, bao gồm cưa điện, dao, búa và đồ dùng nhà bếp.

Các bị cáo sẽ cùng xuất hiện trong phiên xét xử thứ ba vào ngày 31/7.

Theo SCMP