Vụ lừa đảo “Ai là triệu phú?” chấn động trong lịch sử truyền hình: Người chơi giành giải thưởng 35 tỷ đồng với thủ đoạn đơn giản tới phi lý

Toàn bộ khán giả và nhà sản xuất chương trình có thể đã bị lừa như thế nào?

"Một chữ số 1 theo sau bởi một trăm chữ số 0 thì được gọi là gì?". Câu hỏi trị giá cả gia tài, 1 triệu bảng Anh (tương đương gần 35 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại), đã xuất hiện trong gameshow đình đám "Ai là triệu phú?" vào tháng 9 năm 2001.

Vụ lừa đảo “Ai là triệu phú?” chấn động trong lịch sử truyền hình: Người chơi giành giải thưởng 35 tỷ đồng với thủ đoạn đơn giản tới phi lý- Ảnh 1.

Câu hỏi triệu phú trong chương trình năm 2001

Người đối diện với câu hỏi hóc búa này là Thiếu tá Charles Ingram, một cái tên tai tiếng ở Anh Quốc vì hành vi gian lận gần hai thập kỷ trước.

"Tôi không chắc," Thiếu tá Ingram ngập ngừng trước MC. "Tuy nhiên...".

Ban đầu, đáp án "nanomole" thoáng qua trong đầu Charles, nhưng rồi một quyết định táo bạo, gần như ngay lập tức, đã khiến ông chọn "googol" làm câu trả lời cuối cùng, dù bản thân chưa từng nghe đến khái niệm này. Một lựa chọn sai lầm sẽ tước đi 468.000 bảng Anh mà ông đã tích lũy qua 14 câu hỏi trước đó.

Trong khoảnh khắc nghẹt thở quen thuộc của "Ai là triệu phú?", MC Chris Tarrant đã xé bỏ tờ séc 500.000 bảng Anh đã chuẩn bị sẵn. Nó trở nên vô nghĩa. MC tuyên bố, người chơi của ông đã chính thức trở thành triệu phú!

"Anh chính là thí sinh đáng kinh ngạc nhất mà chúng tôi từng có," MC Tarrant ôm chầm lấy vị thiếu tá vừa giành chiến thắng, "500.000 bảng, anh không còn nó nữa... Anh đã trở thành triệu phú!!!".

Vụ lừa đảo “Ai là triệu phú?” chấn động trong lịch sử truyền hình: Người chơi giành giải thưởng 35 tỷ đồng với thủ đoạn đơn giản tới phi lý- Ảnh 2.

Khoảnh khắc Charles Ingram chiến thắng

Màn kịch lừa đảo bị vạch trần như thế nào?

"Ai là triệu phú?", ra mắt năm 1998, đã tạo nên cơn sốt truyền hình ở Anh với format đơn giản: trả lời đúng 15 câu hỏi để giành 1 triệu bảng, cùng ba quyền trợ giúp. Dù vậy, rất ít người chơi chạm tay được vào giải thưởng cao nhất.

Tháng 9/2001, hành trình của Thiếu tá Charles Ingram khởi đầu chật vật, ông dùng hết quyền trợ giúp ở những câu hỏi đầu tiên nhưng vẫn bất ngờ chiến thắng, gây ra sự ngỡ ngàng trong khán giả. Ngay sau khi rời trường quay, nhà sản xuất đã nảy sinh nghi ngờ về tính minh bạch của chiến thắng này.

Vài ngày sau, một tin nhắn từ nhà sản xuất thông báo về những "bất thường" trong quá trình ghi hình, và cảnh sát đã vào cuộc điều tra. Charles bị cáo buộc gian lận với sự giúp sức của vợ Diana, một giáo viên từng thắng 32.000 USD trong chương trình, và Tecwen Whittock, một giảng viên cao đẳng. Whittock bị cáo buộc đã ho và sụt sịt mũi có chủ ý để báo hiệu đáp án đúng và sai cho Charles. Điện thoại di động và tài liệu nghi cũng được sử dụng trong âm mưu trị giá 1 triệu bảng này. Thủ đoạn tinh vi mà đơn giản này, nếu thành công, sẽ là một cú lừa chấn động làng giải trí Anh.

Vụ lừa đảo “Ai là triệu phú?” chấn động trong lịch sử truyền hình: Người chơi giành giải thưởng 35 tỷ đồng với thủ đoạn đơn giản tới phi lý- Ảnh 3.

Phiên tòa xét xử vợ chồng Ingram và Tecwen Whittock diễn ra hai năm sau đó, kéo dài 4 tuần. Công tố viên đưa ra bằng chứng từ băng ghi hình, mô tả đó là một "sự sắp đặt không công bằng". Charles phủ nhận việc nghe thấy 192 tiếng ho trong nửa sau chương trình, bao gồm 19 "tiếng ho lớn đáng kể" mà công tố viên cho là tín hiệu nhắc bài từ Whittock. Whittock thì khăng khăng mình mắc bệnh ho mãn tính.

Vụ lừa đảo “Ai là triệu phú?” chấn động trong lịch sử truyền hình: Người chơi giành giải thưởng 35 tỷ đồng với thủ đoạn đơn giản tới phi lý- Ảnh 4.

Tecwen Whittock

Ngày 7/4/2003, tòa tuyên án cả ba bị cáo đều có tội. Vợ chồng Charles và Diana nhận án treo 19 tháng tù, còn Tecwen Whittock nhận án treo 12 tháng.

Phán quyết này làm nhiều người hả hê, nhưng sự thật đằng sau vẫn còn nhiều tranh cãi. Vào thời điểm đó, điện thoại di động chưa phổ biến để tra cứu thông tin nhanh chóng. Vậy tại sao Charles lại tin tưởng vào sự trợ giúp từ hàng ghế khán giả?

Chiến thuật gian lận này cũng chứa đựng nhiều điểm khó hiểu. Biên kịch James Graham đặt ra câu hỏi: "Công tố viên cho rằng Charles sẽ nói mình không chắc chắn, rồi đọc lần lượt các đáp án và lắng nghe tiếng ho. Vụ việc chỉ thành công nếu Charles xác định đúng tiếng ho của Tecwen và đồng phạm biết hết các câu trả lời. Điều thú vị là Tecwen cũng từng tham gia 'Ai là triệu phú?' sau Charles và chỉ ra về với 1.000 bảng. Trong nhiều gameshow khác, ông ta cũng thể hiện khá tệ".

Một chi tiết đáng chú ý là vợ chồng Charles và Diana chưa từng quen biết Tecwen trước đó. Những lỗ hổng trong bằng chứng khiến cả ba chỉ nhận án treo và chưa bao giờ thừa nhận hành vi cấu kết gian lận. "Tôi nên nói rõ ràng một lần thôi, rồi tiếp tục cuộc sống. Chúng tôi không gian lận trong game đó. Không có kế hoạch gì hết. Tôi đã chiến thắng một cách trung thực," Charles khẳng định trong một talkshow.

Hậu quả kéo dài 19 năm

Hậu quả của vụ việc kéo dài suốt 19 năm sau đó. Thiếu tá Charles buộc phải từ chức sau 17 năm phục vụ trong quân ngũ. Dù tham gia nhiều show truyền hình thực tế và kiếm được tiền, vợ chồng Ingram đã phải trả lại toàn bộ giải thưởng 1 triệu bảng và nộp thêm 1.240 bảng án phí. Họ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm công việc ổn định, phải bán trang sức tự làm để kiếm sống, tuyên bố phá sản 4 lần và thậm chí còn bị kiện vì nghi ngờ lừa đảo bảo hiểm (nhưng không bị buộc tội). Charles phải bán căn nhà trị giá 450.000 bảng do danh tiếng bị hủy hoại.

Luật sư của vợ chồng Ingram cho biết họ có thể kháng cáo bản án năm 2003 dựa trên công nghệ phân tích âm thanh hiện đại, thứ chưa có vào thời điểm xét xử. Luật sư Rhona Friedman nhận định: "Nếu quen biết Charles và Diana, bạn sẽ thấy họ không phải là những người đủ khả năng dàn dựng một âm mưu phạm tội kiểu như vậy".

Vụ lừa đảo “Ai là triệu phú?” chấn động trong lịch sử truyền hình: Người chơi giành giải thưởng 35 tỷ đồng với thủ đoạn đơn giản tới phi lý- Ảnh 5.

Hai vợ chồng phải trả lại tiền thưởng và gặp nhiều sóng gió vì vụ việc

Tuy nhiên, Phil Davies, nhân viên sản xuất chương trình năm đó, vẫn tin chắc vào tội lỗi của Charles và Tecwen. "Đến những người thông minh nhất còn ra về với số tiền ít hơn nhiều. Nếu ông ta dừng lại ở 250.000 bảng thì đã trót lọt. Ông ta chắc chắn có tội," Davies khẳng định.

Câu hỏi "Vụ việc Ai là triệu phú năm 2001 liệu có phải là hành vi gian lận?" đến nay vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng. 1 triệu bảng Anh, một cơ hội đổi đời, đã biến thành gánh nặng đeo bám vợ chồng Ingram suốt gần hai thập kỷ.

Nguồn: BBC