Vui vẻ phát quà cưới, cô dâu chú rể lại bị kiện đòi 5 tỷ chỉ vì điều này

Vụ kiện kỳ lạ đang thu hút sự chú ý, một gia đình đòi cô dâu chú rể bồi thường 5 tỷ đồng sau khi người thân qua đời vì tranh giành kẹo cưới.

Vụ kiện gây tranh cãi vừa được Tòa án tỉnh Hà Nam, Trung Quốc xét xử, liên quan đến cái chết của một phụ nữ trung niên trong đám cưới và yêu cầu gia đình cô dâu chú rể phải bồi thường.

Truyền thông địa phương cho biết, sự việc xảy ra tại một đám cưới ở tỉnh Hà Nam. Theo phong tục địa phương, chú rể và gia đình phát thuốc lá và kẹo mừng cưới trước cửa nhà hàng nơi tổ chức tiệc cưới. Một phụ nữ trung niên sống gần đó sau khi nhìn thấy cô dâu và chú rể phát quà mừng đã tiến lên tranh giành. Thế nhưng khi có được quà cưới gồm kẹo và thuốc lá, người phụ nữ bước được vài bước rồi đột ngột ngã xuống và qua đời sau khi được đưa đi cấp cứu.

Vui vẻ phát quà cưới, cô dâu chú rể lại bị kiện đòi 5 tỷ chỉ vì điều này - 1
Ảnh minh họa.

Bệnh viện thông báo với gia đình rằng, nguyên nhân tử vong là do đột quỵ tim, dẫn đến ngưng tim và ngưng thở đột ngột. Rất nhanh, gia đình của người quá cố cho rằng, cô dâu chú rể và nhà hàng phải chịu trách nhiệm vì không đảm bảo an toàn cho khách. Họ đã kiện đôi vợ chồng mới cưới và nhà hàng, yêu cầu bồi thường 1,47 triệu nhân dân tệ (khoảng 5 tỷ đồng).

Phản ứng trước vụ kiện, chú rể bày tỏ sự bất bình: "Tại sao tôi phải bồi thường? Tôi thậm chí không biết bà ấy là ai. Chúng tôi không hề mời bà ấy đến tranh giành kẹo. Bà ấy tự ý đến đây, tại sao lại đổ lỗi cho chúng tôi? Thật xui xẻo khi gặp phải chuyện này trong ngày vui của chúng tôi!"

Vài ngày trước, Tòa án tỉnh Hà Nam đã đưa ra phán quyết, cho rằng người phụ nữ quá cố với tư cách là một người trưởng thành có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, phải là người chịu trách nhiệm chính về an toàn của bản thân.

Được biết, trước khi qua đời, bà đã được chẩn đoán mắc bệnh tim. Là một người trưởng thành, dù biết tình trạng sức khỏe của mình nhưng vẫn tự nguyện tham gia hoạt động, bà phải tự chịu trách nhiệm về hậu quả xảy ra.

Cuối cùng, tòa án quyết định cả gia đình cô dâu chú rể và nhà hàng đều không phải chịu trách nhiệm. Tòa bác bỏ toàn bộ yêu cầu bồi thường của gia đình người quá cố.

Vụ việc này đã gây ra nhiều tranh cãi về trách nhiệm pháp lý và đạo đức trong các tình huống bất ngờ xảy ra tại các sự kiện công cộng, đồng thời cũng làm dấy lên câu hỏi về cách ứng xử phù hợp trong các dịp lễ hội truyền thống.