Hồ nước bí ẩn này có tên gọi là Erie. Đây là một trong những tuyến đường thủy nội địa có tàu bè qua lại nhiều nhất trên thế giới. Ngoài ra, do chứng kiến nhiều thảm họa nên hồ Erie còn được ví như "nghĩa địa" ở vùng Ngũ Đại Hồ.
Mặc dù nhỏ thứ hai trong hệ thống Ngũ Đại Hồ (5 hồ nước lớn chiếm gần 20% lượng nước ngọt bề mặt của thế giới), nhưng theo ước tính của một số nhà khảo cổ và sử học, số lượng tàu đắm tại hồ Erie có thể lên tới 2.500 chiếc.
Cho đến nay, các nhà nghiên cứu chỉ tìm thấy 277 xác tàu đắm. Tuy nhiên danh sách này liên tục được bổ sung thêm khi các nhà thám hiểm dưới nước tiến hành công cuộc tìm kiếm trên không và dưới nước từ cả hai phía của biên giới Mỹ - Canada.
Khoảng 2.500 con tàu bị đắm ở hồ Erie. Ảnh: NASA
Hồ Erie lần đầu tiên trở thành một tuyến đường giao thông quan trọng ở Bắc Mỹ vào thế kỷ 18. Hồ nước này bao phủ khu vực từ phía tây New York tới phía bắc của bang Ohio và phía nam bang Michigan, nước Mỹ. Điều này có nghĩa là nó cung cấp lộ trình đường thủy nội địa nhanh chóng cho những thương gia và nhà thám hiểm.
Theo các chuyên gia, có thể phần lớn tàu thuyền bị chìm ở hồ Erie vào thế kỷ 17 và 18. Tuy nhiên, hầu hết những tàu này đều khá nhỏ và điều này khiến những người thợ lặn ngày nay khó có thể tìm thấy chúng. Vì vậy, những hoạt động thăm dò và phục dựng tập trung vào những con tàu bị chìm dưới đáy hồ Erie trong thế kỷ 19 và 20.
Một trong những phát hiện tàu đắm nổi tiếng nhất tại hồ Erie xảy ra cách đây 7 năm. Khi đó, Bảo tàng Ngũ Hồ ở Toledo, bang Ohio, thông báo rằng một con tàu bị mất tích 186 năm trước cuối cùng đã được tìm thấy.
Các chuyên gia phát hiện ra Lake Serpent, con tàu bị đắm cách đây gần 200 năm ở hồ Erie. Ảnh: AP
Trước đó, vào tháng 9/1829, một con tàu dài 14 m có tên là Lake Serpent đã rời Cleveland để đến đảo Cunningham cách đó 88 km. Sau khi đã chất đầy đá vôi, con tàu này đã khởi hành quay về Cleveland nhưng lại bất ngờ gặp bão và bị chìm ở đâu đó trên đường trở về.
Đến năm 2015, Tom Kowalczk, một chuyên gia của nhóm khảo cổ Cleveland Underwater Explorers (CLUE) đã phát hiện điều gì đó bất thường khi đang quét qua một khu vực dưới đáy hồ gần đảo Kelleys (tên hiện tại của đảo Cunningham). Khi các thợ lặn của CLUE tiếp cận, họ đã tìm thấy phần còn lại của con tàu bằng gỗ.
Hình ảnh con tàu Lake Serpent trước khi bị đắm. Ảnh: Ancientorigins
Đặc biệt, các thợ lặn cũng tìm thấy hai bằng chứng xác định con tàu là Lake Serpent. Thứ nhất, họ phát hiện ra một hình khắc tinh xảo của một con rắn ở trên mũi tàu. Điều này khớp với những ghi chép lịch sử về đặc điểm của tàu Lake Serpent. Thứ hai, các thợ lặn tìm thấy một số tảng đá vôi vẫn nằm trong hầm tàu. Đầy là loại vẫn được khai thác từ các đảo ở Hồ Erie vào cuối những năm 1820.
Tính đến thời điểm hiện tại, Lake Serpent là con tàu đắm lâu đời nhất được vớt từ hồ Erie.
Ngoài ra, một điểm nóng khác cho các nhà khảo cổ khám phá hồ Erie là Manitou Passage, một tuyến đường thủy nằm sát bờ biển của thành phố Traverse, bang Michigan. Theo đó, vào thế kỷ 19, tuyến đường này từng cướp đi sinh mạng của nhiều thủy thủ trên các con tàu chở gỗ từ cảng này sang cảng kia.
"Cơn ác mộng" vượt qua tam giác quỷ Bermuda
Theo ông Kevin Magee, đồng sáng lập CLUE, đồng thời là một kỹ sư tại Trung tâm Nghiên cứu Glenn của NASA: "Chúng tôi nghĩ rằng hồ Erie có mật độ đắm tàu hầu như lớn hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, thậm chí là tam giác quỷ Bermuda".
Các chuyên gia cho rằng, những cơn bão bất chợt cùng sự thay đổi khó lường từng đợt sóng có thể là nguyên nhân chính khiến cho số lượng tàu đắm ở hồ Erie lại nhiều đến như vậy.
Con tàu James McBride bị mất tích trong một cơn bão năm 1857 trên hồ Erie. Ảnh: Mitch Brown
Hồ Erie được đặt theo tên của những người Mỹ bản địa đầu tiên mà các nhà thám hiểm châu Âu bắt gặp vào thế kỷ 17.
Hồ nước này cũng từng là chiến trường quan trọng trong chiến tranh giữa Mỹ và Anh vào năm 1812. Theo các chuyên gia, một số tàu đắm hiện đang nằm rải rác ở đáy hồ có thể là tàu chiến bị đánh chìm trong cuộc chiến này. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có con tàu nào ở thời kỳ này được trục vớt.
Hơn nữa, quá trình đô thị hóa ngày càng tăng dọc bờ hồ đã góp phần thúc đẩy cho hoạt động thương mại và đánh bắt cá trong thế kỷ 19. Điều này cũng kéo theo sự gia tăng lớn về số lượng các vụ đắm tàu. Trên thực tế nhiều con tàu bị đắm vì những cơn sóng lớn trong các trận bão bất ngờ ở vùng Ngũ Hồ.
Các nhà khảo cổ ước tính rằng, có khoảng 80% số tàu bị đắm ở hồ Erie vẫn còn nằm ở "nghĩa địa" dưới nước và chưa được phát hiện. Nhìn chung, xác tàu đắm ở hồ Erie thường nằm khá gần mặt nước vì hồ tương đối nông. Mặc dù dễ phát hiện từ mặt hồ hoặc có thể nhìn thấy từ trên cao, nhưng những con tàu bị đắm này cũng phải chịu tác động xói mòn mạnh hơn từ những cơn sóng lớn và nhiệt độ nước ấm.
Chuyên gia Kevin Magee giải thích rằng: "Một trong những điều ấn tượng nhất về những tàu đắm ở hồ Erie hay trong Ngũ Hồ của Bắc Mỹ chính là chúng được bảo quản rất tốt nhờ nước lạnh và sạch. Điều này khiến quá trình phân hủy diễn ra chậm lại. Thậm chí có những xác tàu dù đã nằm dưới đáy hồ hàng trăm năm nhưng vẫn còn gần như nguyên vẹn".
Các chuyên gia vẫn đang nỗ lực để mở khóa những bí ẩn về "nghĩa địa" hồ Erie, nơi có khoảng 2.500 con tàu bị đắm. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có ai có thể chắc chắn đưa ra lý giải về hồ nước bí ẩn này.
Những vụ tàu đắm liên tiếp xảy ra trên hồ Erie khiến nhiều người nghi vấn về một loài thủy quái bí ẩn gọi là Bessie. Ảnh: Mysteriousuniverse
Thủy quái ở hồ Erie?
Dù là hồ nông nhất trong Ngũ Đại Hồ, nhưng hồ Erie lại là nơi từng ghi nhận nhiều vụ đắm tàu nhất trong lịch sử.
Cụ thể, vào những năm 1980, trong một số vụ đắm tàu, có người bắt gặp loài sinh vật lạ ở hồ Erie và đặt tên là quái vật Bessie. Sinh vật lạ này được mô tả có hình dạng trông như rắn, có kích thước khổng lồ với cái đầu lớn bằng một chiếc xe hơi.
Vào năm 1992, trong một sự cố khiến 3 người mất tích ở hồ Erie, nhiều người tin rằng Bessie đã tấn công các nạn nhân này. Thế nhưng, cho đến nay, con quái vật này có thật hay không vẫn còn là một bí ẩn chưa có lời giải mã.
Bài viết tham khảo nguồn: Ancientorigins, Mysteriousuniverse