Câu chuyện của cô gái trẻ xấu số Chu Diên Linh khiến cộng đồng mạng Trung Quốc xót xa, thương cảm. Chu sinh ra tại một ngôi làng ở Ngọc Lâm, khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc. Năm 2021, cô quyết tâm đến làm việc ở châu Phi sau khi học chuyên ngành tiếng Pháp tại Đại học Ngoại ngữ Quảng Tây, dù nhiều người can ngăn vì điều kiện ở đó rất khó khăn.
Lý do Chu đến vùng đất mới rất đơn giản: Đó là nơi cô được trả mức lương khá tốt để tiết kiệm tiền sang Pháp du học, cũng là nơi cô có thể tránh xa gia đình luôn ngược đãi mình. Chu nói với bạn bè rằng cô chỉ cần làm việc thêm một năm nữa là tiết kiệm được 1 triệu nhân dân tệ (3,5 tỷ đồng), đủ để thực hiện ước mơ du học ở Pháp. Chu cũng rất mong muốn đến Paris tham dự Thế vận hội mùa hè 2024.
Chu Diên Linh qua đời vì bệnh sốt rét ở châu Phi. (Ảnh: SCMP)
Chu Diên Linh có một chị gái và một em trai. Cha mẹ cô giữ quan niệm trọng nam khinh nữ, luôn thể hiện rõ họ coi trọng con trai hơn con gái, do đó Diên Linh và chị gái bị đối xử như con ghẻ. Chị cô lấy chồng năm 16 tuổi mặc dù ở Trung Quốc, độ tuổi hợp pháp để phụ nữ kết hôn là 20.
Trước thực tế đó, Chu Diên Linh cố gắng học tập chăm chỉ, mong kiếm được nhiều tiền để rời xa gia đình và thực hiện hoài bão của bản thân. Một người bạn học cấp hai của Chu cho biết, cha mẹ thường mắng mỏ và luôn yêu cầu cô mua sắm đủ thứ cho em trai ngay khi cô bắt đầu đi làm.
Tháng 3 vừa qua, Chu mắc bệnh sốt rét ác tính khi đang làm việc tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Dù được điều trị, cô không vượt qua được bạo bệnh và vào ngày 2/4 đã từ giã cuộc đời ở tuổi 25.
Công ty nơi Chu Diên Linh làm việc đã liên lạc với cha mẹ cô, đề nghị họ đến Cộng hòa Dân chủ Congo dự tang lễ và đưa thi thể cô về nhà. Gia đình từ chối, yêu cầu công ty cũng như đại sứ quán Trung Quốc rải tro của cô xuống sông Congo.
Chu mơ ước được du học ở Pháp và sẵn sàng làm việc chăm chỉ ở châu Phi để trang trải chi phí. (Ảnh: Weibo)
Mặc dù người Trung Quốc có quan niệm “lá rụng về cội”, Chu Diên Linh lại thuộc trường hợp khác. Những người dân ở vùng nông thôn Quảng Tây cho biết, phụ nữ chưa kết hôn ở đây bị coi là “không có gốc rễ”, chính vì thế Chu sẽ không được chôn cất đàng hoàng ngay cả khi tro cốt của cô được mang về nước.
Mặc dù không sang Congo dự đám tang hay tiếp nhận thi thể, tro cốt của con, bố mẹ Chu lại rất quan tâm đến tiền bạc, vật chất mà cô để lại. Họ yêu cầu đại sứ quán gửi về Trung Quốc toàn bộ tài sản của Chu như điện thoại di động, đồ trang sức và thẻ ngân hàng. Bạn bè Chu tiết lộ với People rằng, bố mẹ cô đã đồng ý với đề xuất bồi thường của công ty.
Cô Trâu, một người bạn cùng lớp đại học của người quá cố, cho biết trong các bài đăng trên mạng xã hội, Chu thường bày tỏ mong muốn được “hạnh phúc” và “tự do”. Thương xót cô gái đến chết cũng không được an táng, bạn bè mua một tấm bài vị cho cô, đặt tại ngôi chùa ở Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, nơi cô từng trải qua một khoảng thời gian vui vẻ.
Câu chuyện về cô gái trẻ bất hạnh bị gia đình ghẻ lạnh, đến chết cũng không được người thân ngó ngàng khiến cộng đồng mạng Trung Quốc thương xót. Trên Weibo , nhiều người ngậm ngùi cho số phận của cô: “Cuộc sống quá nực cười. Cô ấy đã sống và làm việc rất chăm chỉ để trốn chạy khỏi gia đình và cuối cùng gia đình đã thu hết tiền tiết kiệm của cô ấy”; “Chu đã rất gần với ước mơ của mình, nhưng tôi tin rằng giờ đây cô ấy đã tự do như một chú chim ở một thế giới khác, thoát khỏi nơi từng giam cầm cô ấy”...