Nhiều người cho rằng đi lao động Nhật Bản là sướng, là kiếm được nhiều tiền nhưng mấy ai biết rằng đằng sau những đồng tiền họ mang về quê lại được đánh đổi bằng mồ hôi và nước mắt, với những bữa cơm đạm bạc chỉ có lạc và trứng, hay những giấc ngủ vội ngay tại công trường.
Ngày nay, càng có nhiều lao động Việt Nam qua Nhật Bản làm việc với mong muốn kiếm được một khoản tiền kha khá để sau này về nước có vốn làm ăn. Chính vì vậy mà không ít người ở nhà cho rằng những người đi lao động nước ngoài rất giàu, kiếm được “bát cơm nhà người ta” rất dễ dàng, cuộc sống đủ đầy, dư dả hơn những người ở quê.
Cũng vì cái ý nghĩ đấy mà một khi người quen về nước, họ lại không ngần ngại hỏi quà, không có “quà ngoại” thì họ lại dè bỉu: “Đi nước ngoài về đầy tiền mà không có nổi gói kẹo” hay “Thu nhập được bao nhiêu? Ở bên ấy chắc kiếm được nhiều tiền lắm nhỉ“,… Nhưng xin thưa rằng, những người con đất Việt rời quê hương sang nơi đất khách quê người cũng phải nai lưng ra làm việc, đổ mồ hôi sôi nước mắt chứ chẳng phải ngồi không mà có cục tiền rơi vào đầu.
Thậm chí, cuộc sống của lao động Việt ở Nhật còn khổ hơn so với những người ở quê, đặc biệt là trong những ngày nắng nóng. Chẳng hạn như trong những ngày gần đây, nhiệt độ ngoài trời ở Nhật dao động từ 35-38 độ C, nhưng nhiệt độ thực tế lại lên tới hơn 40 độ C, thậm chí nhiệt độ trong xưởng còn lên tới 44-63 độ C, khiến không ít người lao động phải nhập viện vì say nắng, sốc nhiệt.
Một người lao động Việt tranh thủ ngủ trong thùng carton có lẫn nhiều đồ vật lỉnh kỉnh.
Mặc dù nắng nóng là vậy nhưng những người lao động vẫn phải “phơi thân” giữa trời nắng để làm việc. Thế nhưng, đổi lại hàng tiếng đồng hồ làm việc vất vả lại những bữa cơm vội với vài hạt lạc, quả trứng, là những giấc ngủ trưa nằm giữa đường, giữa công trường nắng nóng.
Nhiều người thốt lên rằng: “Ăn vậy lấy sức đâu mà làm việc?“, “Làm việc tiền nhiều để làm gì mà không mua thịt cá mà ăn?“, nhưng với thời tiết “hành người” như vậy, mang thịt cá đi làm đợi tới trưa cũng ôi thiu cả rồi. Còn tại sao lại ngủ giữa đường, giữa nắng,… nhưng thử hỏi không ngủ ở đó thì người lao động biết ngủ ở đâu bây giờ? Dường như sau những giờ lao động vất vả, họ chỉ cần một chỗ để ngả lưng, chợp mắt trong vài phút cũng cảm thấy mãn nguyện rồi.
Bữa cơm với đôi hạt lạc và quả trứng trong thời tiết nắng nóng lại nghiễm nhiên trở thành cao lương mỹ vị, lấp đầy dạ dày đang kêu ục ục của người lao động.
Không có bàn ăn cũng chẳng có mâm cơm với đủ món rau thịt, mỗi người chỉ cầm một hộp cơm, vạ đâu ngồi đấy nhanh chóng thưởng thức bữa trưa của mình. Nhưng có lẽ rằng, tuy là bữa trưa nhưng đôi khi phải mãi qua chiều họ mới được nghỉ tay mà ăn uống.
Sau bữa ăn trưa vội, những người lao động lại nhanh chóng ngả ra đường để nghỉ ngơi. Chỉ cần nơi nào có mặt phẳng cũng có thể trở thành chiếc “giường êm” của họ.
Một số lao động Việt tại Nhật Bản rải thảm nằm trong bóng mát để nghỉ trưa.
Trong khi đó, những người lao động làm trong lĩnh vực nông nghiệp lại phải lấy đường làm giường.
Trời xanh mây trắng và dù có nắng cỡ nào, họ chỉ cần lấy chiếc mũ che kín mặt để tránh ánh sáng cũng có thể ngủ rồi.
Dưới gầm xe, trên công trường đầy nắng gió và bụi bẩn chính là chỗ ngủ của những công nhân làm việc trên công trường tại Nhật Bản.
Hay là nằm ngủ ngay dưới trời nắng, bên cạnh đống vật liệu ngổn ngang thế này đây.
Không phải lấy trời làm màn như người lao động làm trong lĩnh vực nông nghiệp hay công nhân công trường, nhưng liệu công nhân trong xưởng liệu có giấc ngủ ngon khi nhiệt độ dao động từ 44-63 độ.
Khi nhìn những bức ảnh trên có ai không khỏi xót xa cơ chứ. Đã là lao động sang nước ngoài làm việc thì mấy ai sướng. Nhiều lúc ốm đau, bệnh tật, có tâm sự cũng biết giãi bày với ai. Lắm lúc đi làm vất vả muốn than thở một chút nhưng lại sợ thầy u ở nhà buồn, lo lắng mà sinh bệnh. Vì vậy, những người thân ở nhà chớ thấy lao động Nhật mang được nhiều tiền về quê mà nghĩ rằng họ sang đó “hốt được bạc” bởi kiếm cơm của “người ta” đâu có dễ dàng gì.