Xuất hiện áp thấp mới trên Biển Đông, miền Tây mưa cực lớn

Dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với vùng áp thấp mới trên Biển Đông khiến gió Tây Nam hoạt động mạnh lên. Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau vì thế có mưa lớn, gió giật mạnh.

Ngày 5/8, một vùng áp thấp đã hình thành trên khu vực Bắc Biển Đông với tốc độ di chuyển chậm. Trong 24 giờ tới, vùng áp thấp này ít di chuyển và chưa có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.

Tuy nhiên, ảnh hưởng dải hội tụ nhiệt đới nối với vùng áp thấp trên khiến gió mùa Tây Nam hoạt động với cường độ mạnh hơn. Cơ quan khí tượng cảnh báo khu vực vùng biển từ Bình Thuận đến Kiên Giang, Vịnh Thái Lan và Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) sẽ có mưa rào kèm theo dông lốc trong đêm nay và ngày 6/8.

Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực giữa và nam Biển Đông cũng được dự báo có gió Tây Nam hoạt động mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Sóng biển cao 2-4 mét, biển động mạnh.

Mưa lớn kèm theo gió giật mạnh tại Kiên Giang khiến hàng trăm ngôi nhà bị sập, tốc mái và bị cuốn trôi. Ảnh: Phạm Ngôn.

Mưa lớn kèm theo gió giật mạnh tại Kiên Giang khiến hàng trăm ngôi nhà bị sập, tốc mái và bị cuốn trôi. Ảnh: Phạm Ngôn.


Trước đó, do ảnh hưởng của bão số 3 kết hợp với triều cường, khu vực Tây Nam Bộ cũng có mưa lớn kèm theo dông lốc, gió giật mạnh. Nhiều căn nhà ở Kiên Giang bị sóng lớn cuốn phăng.

Ông Lê Thanh Hải, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn, cho biết, gió Tây Nam hoạt động mạnh lên do ảnh hưởng của vùng áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão trên Biển Đông ngày 3/8.

“Dù bão nằm ở phía Bắc Biển Đông và di chuyển theo hướng tây tây bắc vào đất liền Bắc Bộ, nhưng cường độ của bão có thể khiến cường độ gió Tây Nam mạnh lên, kết hợp với triều cường gây mưa lớn cho khu vực miền Tây”, ông Hải cho biết.

Nhà dân ở Cà Mau bị ngập nước do ảnh hưởng triều cường. Ảnh: Nhật Tân.

Nhà dân ở Cà Mau bị ngập nước do ảnh hưởng triều cường. Ảnh: Nhật Tân.


Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, ảnh hưởng của mưa, dông lốc và triều cường đã làm nước biển tràn qua toàn tuyến đê biển Tây tỉnh Cà Mau, gây sạt lở nghiêm trọng tại nhiều khu vực. Trong đó, đoạn Ba Tĩnh - Kinh Mới và đoạn kè Đá Bạc - Kinh Mới là 2 điểm sạt lở nghiêm trọng nhất, kéo dài 7 mét vào đến phần mặt đường bê tông.

Tính đến ngày 5/8, mưa bão ở miền Tây đã khiến 590 ngôi nhà bị sập, trôi và tốc mái với số liệu tập trung ở tỉnh Kiên Giang. Ước tính thiệt hại tại Kiên Giang lên đến 6,9 tỷ đồng. 

Thiên tai những ngày qua ở Cà Mau cũng làm 1 người chết, 1 người bị thương, sạt lở đất, sập 91 căn nhà, tốc mái 472 nhà, ngập 1.843 căn nhà... Tổng thiệt hại về tài sản ước tính trên 22 tỷ đồng.

Tại Bạc Liêu, bão số 3 làm sập, tốc mái 25 căn nhà ở huyện Hồng Dân và Vĩnh Lợi. Tại ấp Cái Dầy, thị trấn Châu Hưng (Vĩnh Lợi), mưa dông làm sập bảng quảng cáo dân gây hư hỏng mái nhà rộng 370 m2.