Về Hà Nội nhập học ngày 27/8, Việt Hoàng bất ngờ khi được trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội, khen thưởng. Hoàng đăng ký xét tuyển vào trường bằng điểm thi tốt nghiệp THPT khối B00 (Toán, Hóa, Sinh), đạt tổng 27,88. Trong đó, điểm Sinh học là 9,5, Hóa 9,25, Toán 8,6. Trong 640 tân sinh viên toàn trường, điểm xét tuyển của Hoàng thuộc top 3.
"Mình thấy vui và tự hào lắm", Hoàng nói.
Cô Vũ Thị Nhuần, giáo viên chủ nhiệm của Hoàng ở trường THPT Giao Thủy B, Nam Định, cũng bất ngờ khi biết tin.
"Tôi cảm thấy may mắn khi có học trò nghị lực như vậy", cô chia sẻ. "Hoàng từng bảo tiếc vì không mang được điểm 10 Sinh về cho cô khi so đáp án sau buổi thi".
Việt Hoàng là con đầu trong gia đình làm nông ở Nam Định. Năm 14 tuổi, trong một lần đi khám vì đau dạ dày, Hoàng được chẩn đoán mắc bệnh u trung thất. Đây là khối u chèn giữa phổi và tim nên gây khó thở, vận động yếu, dễ sốt và ho.
Vì thế, nam sinh đành xin nghỉ một năm để tập trung chữa bệnh. Sau đó, Hoàng đi học lại, cố theo nốt chương trình lớp 9. Thế nhưng, bệnh tình nhiều lúc trở nặng khiến Hoàng phải tạm dừng việc học trong hai năm tiếp theo, chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Giai đoạn đó, Hoàng cố gắng tự học nhưng không hiệu quả vì đa số thời gian phải nằm điều trị.
"Khi đó mình luôn trong tình trạng thở không ra hơi. Muốn học cũng không học được", Hoàng kể.
Một lần, vừa ra khỏi phòng bệnh để về nhà trọ, Hoàng bị bác sĩ gọi lại vì thấy người lờ đờ, mặt trắng bệnh. Kết quả khám cho thấy anh bị thiếu máu, phải nằm viện tiếp cả tháng. Hoàng cũng nhớ đến chị y tá đã chăm sóc mình những đêm bị nôn thốc nôn tháo, thấy họ dù làm việc vất vả nhưng luôn ân cần. Đó là lúc Hoàng bắt đầu ước mơ học Y.
Năm 2021, Việt Hoàng vào cấp ba, học cùng khóa các bạn sinh năm 2006, ở trường THPT Giao Thủy B, Nam Định. Hoàng phải vừa học vừa điều trị, khám bệnh mỗi tháng một lần, đồng thời hạn chế vận động thể chất. Học muộn ba năm nên mỗi lần gặp bạn bè cũ, Hoàng hơi chạnh lòng.
"Các bạn bằng tuổi mình nhưng đã vào đại học, làm nhiều điều thú vị, còn mình thụt lùi so với họ", Hoàng chia sẻ. Dù vậy, nam sinh không để bản thân bị cuốn vào những suy nghĩ tiêu cực đó, mà dặn lòng phải cố gắng gấp nhiều lần người khác.
Xác định vào trường Y, Hoàng tập trung học các môn khối B00 ngay từ đầu. Trong đó, Sinh là môn Hoàng thích nhất vì cách dạy nhiều ví dụ thực tế và nhóm kiến thức của cô chủ nhiệm. Vào các kỳ kiểm tra, cô luôn soạn một quyển tài liệu riêng, tổng kết nội dung và dạng bài tập về chủ đề đã học. Nhờ vậy, Hoàng biết cách học hệ thống, luôn đạt trên 9 phẩy môn này.
Vì thích, Hoàng đăng ký theo đội tuyển học sinh giỏi môn Sinh của trường hồi đầu năm. Lúc này, trời mưa ẩm khiến bệnh của Hoàng trở nặng, có lần đang học phải vào viện vì sốt cao và ho không dứt. Nam sinh trở lại đội tuyển khi chỉ còn vài ngày nữa là đến vòng cấp tỉnh, giành giải nhì.
"Hoàng rất đam mê và quyết tâm", cô Nhuần nói.
Ngay sau đó, Hoàng tập trung ôn thi tốt nghiệp THPT, chủ yếu đọc lại nội dung và làm các dạng bài tập theo sách giáo khoa. Với môn Toán và Sinh, nam sinh thường tự học hai tiếng mỗi ngày, học thêm hai buổi một tuần.
Hoàng nhìn nhận đuối môn Hóa nhất nên tập trung luyện đề. Câu nào không làm được, nam sinh đánh dấu rồi hỏi các bạn, thầy cô hoặc tra trên mạng. Từng vò đầu bứt tai vì không nhớ hết tính chất của axit, kim loại, Hoàng luyện nhiều thành quen, tự tin thi Hóa được hơn 9 điểm.
Việt Hoàng (phải, ngoài cùng) cùng cô giáo và các bạn trong đội tuyển Sinh. Ảnh: Giáo viên cung cấp
Quá trình ôn thi của Hoàng có sự đồng hành của em gái Phạm Thị Diệp. Năm nay, Diệp đỗ ngành Dược học, cùng trường với anh trai. Mỗi buổi học ở nhà, cả hai hay chia sẻ tài liệu và giảng cho nhau những chỗ chưa hiểu.
Cô Nhuần nói khâm phục nỗ lực của hai anh em. Riêng Hoàng, cô ấn tượng về tính cách quyết đoán, có chính kiến.
"Mỗi lần nghe giảng trên lớp mà chưa thấy thuyết phục, Hoàng sẽ tìm hiểu vấn đề đến tận cùng, có lúc tranh luận với cô", cô nhớ lại. Cô cũng nhận xét Hoàng ít nói, nhưng luôn âm thầm cố gắng và ân cần giúp đỡ bạn bè.
Đầu tháng này, Hoàng bắt đầu học ở trường Đại học Y Dược. Chàng trai 21 tuổi đặt mục tiêu học tốt và tham gia các câu lạc bộ để cải thiện kỹ năng giao tiếp.