Ý kiến trái chiều về "Chữ VN song song 4.0": Luật sư nói sao về việc công trình được cấp bản quyền?

Theo luật sư, việc cấp bản quyền cho bộ "Chữ VN song song 4.0" không đồng nghĩa với việc chúng ta phải sử dụng, rất có thể nó sẽ nhanh chóng bị quên lãng.

Những ngày qua, thông tin bộ "Chữ VN song song 4.0" kết hợp từ "Chữ Việt nhanh" và "Ký hiệu dấu" của 2 tác giả Kiều Trường Lâm và Trần Tư Bình nhận được giấy chứng nhận bản quyền tác giả đang thu hút sự chú ý của dư luận. Nhiều người bức xúc cho rằng, đây là một việc làm vô nghĩa khi bất cứ ai nghĩ ra điều "kỳ dị" gì đó cũng mang đi đăng ký công nhận bản quyền. Việc này thực chất không có giá trị gì khi xã hội không chấp nhận và áp dụng nó.

Tác giả Kiều Trường Lâm và bộ "Chữ VN song song 4.0" của anh.

Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn luật sư TP HCM cho rằng, theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu Trí tuệ Việt Nam, quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Hiểu rộng ra, quyền tác giả gồm những quyền cụ thể mà pháp luật trao cho tác giả hay chủ sở hữu của một tác phẩm về việc đặt tên tác phẩm, đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm, được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; Sao chép, điều chỉnh hay truyền tải, phổ biến tác phẩm đến với công chúng và việc cho phép người khác tham gia vào quá trình khai thác tác phẩm.

Luật sư Bình cho hay, tác phẩm là thành quả lao động sáng tạo của tác giả được thể hiện dưới hình thức nhất định. Do đó, tác phẩm được pháp luật bảo hộ phải có tính sáng tạo, không phải là cách sắp xếp diễn đạt đơn thuần, bắt chước cách diễn đạt, thể hiện ngôn từ, màu sắc, khuôn mẫu có sẵn trong các tác phẩm của người khác.

"Việc đăng ký và được cấp Giấy chứng nhận quyền tác giả của công trình "Chữ VN song song 4.0" không đồng nghĩa với việc chúng ta phải sử dụng nó. Lấy ví dụ như một vở kịch hay, một bài hát hay sẽ được nhiều hãng ghi âm, ghi hình, các ca sĩ thi nhau hát và phải trả bản quyền. Ngược lại nếu không hay thì sẽ bị đi vào quên lãng, không ai sử dụng", luật sư Bình phân tích.

Theo luật sư Bình, để đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan thì tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan chỉ cần nộp đơn và hồ sơ kèm theo cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để được ghi nhận các thông tin về tác giả, tác phẩm, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan.

Các tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan thuộc về mình khi có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại. Cá nhân luật sư Bình cho rằng tiếng Việt, chữ Việt hiện nay ổn định về mặt hình thức. Có những thứ chúng ta phải thay đổi cho phù hợp với sự phát triển của xã hội nhưng cái gì đã được ông cha truyền lại thì không thể cứ lấy lý do này, lý do khác để đòi thay đổi.

“Các nhà nghiên đôi khi bị cạn kiệt đề tài nghiên cứu hoặc ai thích cải cách thì cứ việc mày mò thêm cái này bớt cái kia và nêu đề nghị cải cách, nhưng thực tiễn xã hội không có nhu cầu đó!", luật sư Bình chia sẻ quan điểm.

Ngày 3/4, ông Kiểu Trường Lâm (34 tuổi), một trong hai tác giả bộ “Chữ VN song song 4.0" cho biết đã nhận nhiều ý kiến phản đối gay gắt của số đông công chúng.

Những ý kiến phản đối gay gắt của cộng đồng mạng về “Chữ VN song song 4.0".

“Đơn thuần đó chỉ là công cụ viết tắt, bổ trợ cho chữ Quốc ngữ không hơn, không kém, mọi người đang hiểu sai về mục đích của tôi và ông Trần Tư Bình.”, ông Lâm cho biết. Chia sẻ với phóng viên, ông Kiều Trường Lâm tiết lộ từ nhỏ ông đam mê về ngôn ngữ học. Ông thường tự học, tự đọc các tài liệu có liên quan đến chữ Quốc ngữ, âm, vần, ngữ pháp.

Với ông, chữ Quốc ngữ là ngôn ngữ hay, có giá trị sử dụng cao trong đời sống, đi sâu vào tâm thức của mỗi người và nó đang lưu giữ giá trị lịch sử hàng thế kỷ của đất nước Việt Nam ta. Ngôn ngữ đó không thể thay đổi và ông cũng không có ý định cải tiến chữ Quốc ngữ mà chỉ đưa ra những cải tiến dưới dạng viết tắt không dấu.

"Bộ chữ viết này chỉ như một sự lựa chọn cho những mục đích rất cụ thể, như tốc ký hay bảo mật, hoặc có thể coi là một thứ bài tập để dạy về tín hiệu học, về ký tự công nghệ thông tin.", ông Trương Kiều Lâm nói.

Giải thích thêm về công trình nghiên cứu, ông Kiều Trường Lâm chia sẻ, ngay từ cái tên “Chữ VN song song 4.0” đã nói lên một phần mục tiêu, là có thể sử dụng song song với chữ viết hàng ngày, không ảnh hưởng gì đến chữ Quốc ngữ.

Theo Kenh14.vn


* Nội dung liên quan: