Ý nghĩa điệu múa rồng trong văn hóa Trung Quốc

Những điệu múa rồng trong văn hóa Trung Quốc phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau, chẳng hạn như ăn mừng lễ hội hay xua đuổi ma quỷ.

Rồng với người Trung Quốc là sinh vật thần thoại linh thiêng, thường đóng vai trò chủ đạo trong các lễ hội truyền thống. Lịch sử nước này ghi nhận sự xuất hiện của điệu múa rồng trong các lễ hội, nghi lễ từ thời nhà Hán (202 TCN đến 220 CN).

“Những điệu múa này phục vụ cho nhiều mục đích khác nhau, chẳng hạn như ăn mừng lễ hội hay xua đuổi ma quỷ”, Giáo sư Kwok Kam Chau, Đại học Baptist Hong Kong, người chuyên nghiên cứu về lễ hội và tôn giáo Trung Quốc, cho biết.

Trong suốt lịch sử Trung Quốc có nhiều ghi chép về nghi lễ thờ rồng, trong đó phổ biến quan niệm thờ rồng cầu mưa. Niềm tin này bắt nguồn từ tôn giáo dân gian, tín ngưỡng Phật giáo và Đạo giáo, nơi rồng được tôn kính như vị thần.

Ngày nay, múa rồng lửa là một nét văn hóa đặc sắc trong vào dịp Tết Âm lịch ở Trung Quốc, với hình thức đa dạng tùy theo mỗi vùng miền.

Rồng lửa làng Bộ Trại

Ý nghĩa điệu múa rồng trong văn hóa Trung Quốc - Ảnh 1.

Người dân rước rồng ở làng Bộ Trại ở huyện Phong Thuận, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. (Ảnh: CNN)

Kể từ thời nhà Thanh, làng Bộ Trại ở huyện Phong Thuận (tỉnh Quảng Đông, đông nam Trung Quốc) luôn tổ chức sự kiện biểu diễn múa rồng trong Lễ hội đèn lồng hằng năm vào ngày 15/1 Âm lịch (ngày 24/2 Dương lịch năm nay).

Truyền thống hàng thế kỷ này được coi là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Trung Quốc vào năm 2008. Sự kiện thường bắt đầu bằng những màn trình diễn ánh sáng và pháo hoa trước khi già làng đốt dây pháo được đặt dọc trên thân con rồng đầy màu sắc.

Khi tiếng pháo vang lên, những người đàn ông cởi trần ùa vào quảng trường làng. Họ cùng nhau nâng một con rồng lửa dài hơn 30m rực sáng và uyển chuyển múa, tạo thành hình tượng con rồng lửa uyển chuyển trong không trung.

Rồng thép Tương Tây

Ý nghĩa điệu múa rồng trong văn hóa Trung Quốc - Ảnh 2.

Rồng thép nhảy múa giữa lửa pháo trong lễ hội ở Tương Tây, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc. (Ảnh: CNN)

Múa rồng lửa thép là nét văn hóa truyền thống đặc trưng của người dân tộc Thổ Gia và Miêu ở các thị trấn thuộc khu tự trị Tương Tây ở tỉnh Hồ Nam (miền trung Trung Quốc) trong nhiều thế kỷ, thường được tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng. Điệu múa rồng này mang ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa và mùa màng bội thu trong năm mới.

Lễ hội thường bắt đầu bằng tiếng trống, cồng chiêng, tiếng pháo và tiếng reo hò của người xem. Sau đó, pháo được bắn vào giữa quảng trường và hàng chục người múa rồng nhảy múa dưới những tia lửa rơi xuống.

Điệu múa kết thúc bằng việc thả rồng xuống sông hoặc cho đến khi con rồng bị đốt cháy hoàn toàn, chỉ còn lại cấu trúc kim loại của nó.

Văn hóa múa rồng thép Tương Tây từng đứng trước nguy cơ bị mai một, nhưng nhờ nỗ lực không ngừng quảng bá hình ảnh trên mạng xã hội của người dân địa phương, truyền thống này đã hồi sinh và được xếp vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của Trung Quốc vào năm 2018.

Rồng lửa Hoàng Long Tây cổ trấn

Ý nghĩa điệu múa rồng trong văn hóa Trung Quốc - Ảnh 3.

Màn múa rồng dưới tia lửa sắt nóng chảy trong lễ hội ở Hoàng Long Tây cổ trấn, thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. (Ảnh: CNN)

Mang đậm kiến trúc cổ từ thời nhà Thanh, Hoàng Long Tây cổ trấn ở thành phố Thành Đô (tỉnh Tứ Xuyên) là một trong những điểm đến được yêu thích trong dịp nghỉ lễ năm mới ở Trung Quốc.

Hàng năm, cổ trấn này tổ chức hội chợ Tết truyền thống kéo dài nhiều ngày bên bến tàu, bao gồm múa rồng lửa vào mỗi ngày trong 5 ngày đầu tiên và ngày 15 của tháng Giêng.

Lễ hội nơi đây không có tiếng pháo nổ, thay vào đó sắt nóng chảy được hất lên trời cao và bắn những tia lửa lấp lánh, trong khi ở phía dưới con rồng "rượt đuổi" một chiếc đèn lồng, tạo nên một màn trình diễn ngoạn mục.

Rồng lửa Đồng Lương

Ý nghĩa điệu múa rồng trong văn hóa Trung Quốc - Ảnh 4.

Màn biểu diễn Rồng lửa Đồng Lương ở công viên Qicaimeng, huyện Đông Lương, thành phố Trùng Khánh. (Ảnh: CNN)

Được mệnh danh là quê hương của rồng lửa, huyện Đồng Lương ở thành phố Trùng Khánh tổ chức múa rồng ở nhiều khu vực trên địa bàn. Nhưng một trong những địa điểm hàng đầu để tham quan là Công viên Qicaimeng.

Mỗi đêm trong 7 ngày đầu tiên năm mới Âm lịch, công viên sẽ diễn ra chương trình biểu diễn kéo dài 50 phút, trong đó có các màn trình diễn ánh sáng và rồng lửa Đồng Lương.

Đây được đánh giá là một trong những màn trình diễn múa rồng lửa hoành tráng nhất ở Trung Quốc. Khi những giọt sắt nóng chảy được bắn lên trên cao và thắp sáng không trung, bên dưới bóng của con rồng lửa nhào lộn một cách hùng vĩ.

Lồng đèn rồng Quý Châu

Ý nghĩa điệu múa rồng trong văn hóa Trung Quốc - Ảnh 5.

Múa rồng trong lễ hội truyền thống ở huyện Đại Phương, tỉnh Quý Châu, Trung Quốc. (Ảnh: CNN)

Không giống những địa phương khác ở Trung Quốc, rồng trong lễ hội truyền thống ở huyện Đại Phương (tỉnh Quý Châu) được thiết kế theo kiểu đèn lồng và đầy màu sắc được thắp sáng từ bên trong.

Lễ hội diễn ra vào ngày 9/1 Âm lịch, hàng chục quả pháo được trải trên mặt đất, tạo thành một màn trình diễn lấp lánh khi những vũ công múa rồng di chuyển uyển chuyển quanh quảng trường.