Ngày vía Thần Tài được coi là ngày quan trọng trong năm đối với những người làm kinh doanh. Vào ngày này, bên cạnh việc mua vàng cầu may, nhiều người còn sắm sửa lễ vật cúng thần Tài để việc làm ăn buôn bán được thuận lợi.
Ngày vía Thần Tài là gì?
Theo quan niệm dân gian, vía Thần Tài là ngày cúng Thần Tài để tạ ơn ông đã mang lại tài lộc cho gia chủ trong một năm vừa qua và cầu mong may mắn, tài lộc cho năm mới. Ngày vía Thần Tài được chọn vào ngày 10 tháng Giêng Âm lịch (tức mùng 10 Tết Nguyên đán) hàng năm.
Vào ngày vía Thần Tài, nhiều cửa hàng, xí nghiệp, cơ sở buôn bán, người kinh doanh buôn bán sẽ khai trương, mở hàng, có nơi còn tổ chức múa lân có ông địa tại cơ sở kinh doanh, nhiều người còn đốt vàng mã.
Trong dịp vía Thần Tài này, nhiều người dân còn tấp nập, đổ xô đi mua vàng vào ngày vía Thần Tài, món cá lóc nướng hay còn gọi là cá lóc vía Thần Tài là món ăn được người dân miền Nam ưa chuộng để cúng Thần Tài trong dịp này.
Nguồn gốc - ý nghĩa ngày vía Thần Tài
Ngày vía Thần Tài có xuất xứ từ Trung Quốc và được du nhập vào Việt Nam khoảng đầu thế kỷ XX.
Tại nước ta, có một sự tích liên quan tới ngày vía Thần Tài. Tương truyền, Thần Tài từng có lần vì uống rượu say mà rơi xuống trần gian. Có người nhìn thấy ông mặc đồ như diễn tuồng cải lương nên đã lấy sạch đồ áo của ông đem bán.
Không nhớ ra mình là ai, Thần Tài đi lang thang khắp nơi xin ăn. Một cửa hàng bán gà, vịt quay thấy Thần Tài đáng thương nên đã mời ông vào ăn. Kể từ đó, cửa hàng lúc nào cũng đông khách, người ra vào tấp nập.
Sau này, vì sợ bộ dạng lấm lem của Thần Tài sẽ khiến khách hàng không hài lòng nên chủ quán đã đuổi không cho ông vào ăn nữa. Rất nhiều tiệm kinh doanh khác nghe được tin này liền tìm cách mời Thần Tài về nơi buôn bán của mình để “Thần Tài gõ cửa”.
Một ngày nọ, có người dắt ông đi mua quần áo mới. Trong cửa tiệm, Thần Tài nhìn thấy bộ đồ trước đây của mình liền nhớ đến thân phận của bản thân và bay về trời vào ngày mùng 10 tháng Giêng Âm lịch.
Từ đó, để tưởng nhớ ông, người dân đã lập bàn thờ cúng và chọn ngày này làm ngày vía Thần Tài. Vì vậy, cứ tới mùng 10 tháng Giêng, mọi người sẽ sắm sửa lễ vật cúng Thần Tài và mua vàng để cầu tài lộc, may mắn, sung túc cho cả năm.
Với những người làm kinh doanh như doanh nhân, buôn bán rất coi trọng thờ thần tài đặc biệt là ngày vía Thần Tài.
Vì sao nhiều người đổ xô mua vàng ngày vía Thần Tài?
Theo quan niệm dân gian, Thần Tài là vị thần cai quản Tài - Phúc - Phú - Quý mang lại tài lộc, sung túc và may mắn cho mọi người.
Ngày mùng 10 tháng Giêng không chỉ đơn thuần là ngày để tạ ơn và tưởng nhớ đến vị Thần Tài đã mang lại tài lộc cho gia chủ, mà còn được coi là ngày mong muốn được đổi “vía” bởi khi có vía của vị Thần Tài sẽ đem đến cho gia chủ một năm mới sung túc, ăn nên làm ra, tiền tài sinh sôi nảy nở.
Do đó, theo dân gian, việc mua vàng vào ngày vía Thần Tài mang ý nghĩa tâm linh rất lớn, nhất là đối với những người làm ăn, kinh doanh, buôn bán.
Thậm chí, nhiều người coi đây là dịp mua vàng quan trọng nhất trong cả năm để cầu may mắn, cầu cho việc làm ăn được thần tài phù hộ thuận buồm, tiền tài của cải sinh sôi nảy nở suốt cả năm.
Nhiều người đi mua vàng ngày vía Thần tài để lấy may. (Ảnh minh họa)
Mua vàng trong ngày vía Thần Tài cần lưu ý những gì?
Với mục đích mua vàng để cầu may nên không nhất thiết phải mua nhiều mới may mắn mà người mua nên căn cứ theo khả năng tài chính và nhu cầu để chọn sản phẩm phù hợp.
Hiện các doanh nghiệp đã chuẩn bị rất nhiều sản phẩm đa dạng để người mua lựa chọn như nhẫn trơn hay vàng miếng loại 0,2 - 0,5 - 1 - 2 - 5 chỉ.
Với những người chỉ mua với quan niệm cầu may chỉ cần mua một lượng nhỏ nhẫn tròn, trơn bởi giá vàng trong những ngày này thường được neo ở mức giá cao.
Việc mua nhẫn tròn trơn cũng tránh được chi phí chế tác cao, khi bán sẽ không bị thiệt thòi vì loại phí này bởi thông thường chi phí chế tác từ 300-500.000 đồng hoặc hơn nếu sản phẩm yêu cầu công sức và kỹ thuật chế tác tinh sảo.
Còn nếu mua vàng cầu may và dùng để tích trữ tài sản hoặc sau đó có thể cho tặng hoặc dùng đeo làm trang sức có thể chọn một số sản phẩm được chế tác cầu kỳ, có tính thẩm mỹ cao.
Tuy nhiên, dù mua vàng miếng, nhẫn tròn hay trang sức khách hàng nên chú ý số seri của sản phẩm. Số seri này thường được doanh nghiệp khắc ngay trên sản phẩm.
Với vàng nhẫn tròn trơn, ngoài số seri, tuổi vàng cũng thường được khắc ngay phía trong của nhẫn và dễ nhìn thấy. Khi nhìn tuổi vàng, cần kiểm tra mình mua đúng loại tuổi vàng mong muốn hay chưa. Tuổi vàng có nhiều loại, trong đó có giá cao nhất là vàng 999.9.
Sau khi kiểm tra sản phẩm và làm thủ tục, khách hàng nên lấy đầy đủ hóa đơn. Đây là các giấy tờ chứng thực giao dịch của khách hàng với cửa hàng vàng. Đây cũng là giấy tờ đính kèm để được giá cao khi cần mang đi bán.
Khung giờ chuẩn để cúng vía Tài Thần năm 2022
Trên Vietnamnet dẫn thông tin theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà, khung giờ vàng cúng vía Thần Tài là: giờ Mão từ 5h đến 7h và giờ Thân từ 15h đến 17h.
Đây cũng là 2 khung giờ mọi người nên mang vàng và bạc đi qua cổng chính, cửa chính đặt vào vùng tài vị để két sắt, nơi chuyên để tiền...
Ngoài ra, một số kênh tham khảo khác còn có khung giờ 17h-19h, giờ Quý Dậu, tức giờ Minh Đường hoàng đạo. Khung giờ này có sao ngự trị là Minh Phổ và Quý Nhân, giờ này thích hợp đi cầu người giúp đỡ sẽ thành.
Mâm cúng vía Thần tài. (Ảnh minh họa)
Ngày vía thần Tài 2022 nên cúng gì?
Trước khi dâng lễ cúng, gia chủ cần lau bụi, sắp xếp lại để mặt trước bàn thờ gọn gàng, sạch sẽ.
Với những người cẩn thận, trước ngày mùng 10 tháng Giêng, họ thường lau bàn thờ, lau tượng ông thần Tài và ông Thổ địa bằng nước thơm, nước có ngâm hoa tươi hoặc rượu trắng để tẩy bụi.
Theo dân gian, mâm lễ cúng vía Thần Tài đầy đủ gồm:
Bộ tam sên với 3 món: 300 gr thịt lợn (có thể luộc hoặc quay), 3 quả trứng luộc (trứng gà hoặc trứng vịt) và 3 con tôm hoặc cua luộc.
Ở miền Nam, đa số người dân thờ chung thần Tài với ông Thổ địa và họ còn chuẩn bị thêm cá lóc nướng ở bàn thờ. Cá lóc được để nguyên trạng để nhắc nhớ rằng ông cha mình từng rất thiếu thốn, khó khăn trong buổi đầu khai hoang, không nề hà chuyện để cá nguyên vảy, cả con.
Mâm ngũ quả: Có thể chọn các quả như cam, xoài, thanh long, táo, dưa hấu...1 lọ hoa tươi có màu sắc rực rỡ (hoa cúc, hoa ly...)
1 bộ giấy tiền, vàng mã.
Thuốc lá (cả bao và có 2 điếu thuốc thò đầu ra).
Hũ gạo, hũ muối, hũ nước đầy được đặt ở giữa hai tượng thần Tài - Thổ địa. Đây là những vật tượng trưng cho cuộc sống no đủ, êm ấm, được đặt từ đầu năm tới cuối năm mới đem thay.
Ngoài ra, mâm cúng ngày vía thần Tài còn có khay vàng giấy, hai bát hương, hai cây đèn nhỏ, một khay nước gồm 3 cốc nước và 2 chén rượu. Mâm cúng ngày thường là hoa quả, đồ chay, còn ngày vía thần Tài có đồ mặn gồm 1 miếng thịt, 1 con tôm, 1 quả trứng luộc.
Dân gian còn có tục mua vàng đặt lên bàn thờ lúc cúng để xin lộc thần Tài, cúng xong mang trên người để được may mắn quanh năm.
Đồ lễ chuẩn bị còn tuỳ thuộc vào hoàn cảnh của mỗi gia đình những cùng không nên quá xa xỉ, gây lãng phí.
Nếu không sắm được đầy đủ như trên thì chuẩn bị lễ cúng thần Tài như sau:
Nước: Chén để nước cần rửa sạch trước khi lấy nước mới. Có thể xếp 5 chén nước xếp hình chữ thập, tượng trưng cho ngũ hành và ngũ phương phát triển. Nước không để quá đầy, cần cách miệng chén khoảng 1 cm. Cẩn thận không để nước tràn ra hoặc đổ lên bàn.
Hoa: Không nên dùng hoa giả, cần mua hoa tươi, có nụ, có hương thơm càng tốt.
Quả: Không nên dùng quả nhựa mà nên cúng thần Tài bằng quả tươi, ngon. Người ta thường dùng táo, lê, chuối, cam, quýt để cúng.
Ở các đô thị, thành phố lớn, người dân đặt vàng lên bàn thờ để lấy lộc, may mắn cả năm. Có nơi còn cúng xôi và chè trôi nước để việc làm ăn, buôn bán trôi chảy.
Văn khấn Thần Tài năm 2022 (Theo văn khấn cổ truyền Việt Nam - NXB Văn hóa Thông tin)
Văn khấn Thần Tài Thổ Địa:
– Kính lạy ngài Hoàng Thiên Hậu Thổ chư vị Tôn thần.
– Con kính lạy ngài Đông Trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân.
– Con kính lạy Thần Tài vị tiền.
– Con kính lạy các ngài Thần linh, Thổ địa cai quản trong xứ này.
Tín chủ con là:…………………………………Tuổi:…………………..
Ngụ tại………………………………………………………………………..
Hôm nay là ngày…….tháng…….năm…………………(âm lịch).
Tín chủ con thành tâm sửa biện, hương hoa, lễ vật, kim ngân, trà quả và các thứ cúng dâng, bầy ra trước án kính mời ngài Thần Tài tiền vị và chư vị tôn Thần.
Cúi xin Thần Tài thương xót tín chủ, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành, thụ hưởng lễ vật phù trì tín chủ chúng con an ninh khang thái, vạn sự tốt lành, gia đạo hưng long thịnh vượng, lộc tài tăng tiến, tâm đạo mở mang, sở cầu tất ứng, sở nguyện tòng tâm. Chúng con lễ bạc tâm thành, trước án kính lễ cúi xin được phù hộ độ trì. Phục duy cẩn cáo!
* Thông tin mang tính tham khảo