Các mạng xã hội Facebook và Instagram đang rộ lên một trào lưu mới, đó chính là “10 Years Challenge - Thử Thách 10 Năm”. Trào lưu này đang được rất nhiều bạn trẻ hưởng ứng, trong đó có cả những ngôi sao nổi tiếng và những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội.
Đơn giản chỉ là bạn sẽ chia sẻ một bức ảnh của bản thân từ cách đây 10 năm, để xem sau 10 năm chúng ta đã thay đổi như thế nào. Không chỉ để nhìn thấy bản thân mình “từ vịt hóa thiên nga”, mà trào lưu này còn giúp chúng ta ôn lại những kỷ niệm ngày xưa của thế hệ 8x và 9x.
Mặc dù đang trở thành trào lưu rất hot, được nhiều người dùng mạng xã hội hưởng ứng và tưởng chừng như vô hại. Nhưng theo biên tập viên Kate O’Neill của Wired thì 10 Years Challenge lại là công cụ mà Facebook đang sử dụng để thu thập dữ liệu từ người dùng.
Những bức ảnh 10 Years Challenge là “thức ăn” cho trí tuệ nhân tạo của Facebook
Kate O’Neill của Wired lần đầu tiên chia sẻ về thuyết âm mưu của cô trên Twitter và đã nhận được rất nhiều quan tâm, hơn 19 nghìn lượt like và hơn 8 nghìn bình luận. Cô cho rằng những bức ảnh 10 Years Challenge đang được sử dụng như một kho dữ liệu khổng lồ để huấn luyện trí tuệ nhân tạo nhận diện khuôn mặt của Facebook.
“Tôi không cho rằng bản thân của trào lưu này là nguy hiểm. Nhưng tôi biết Facebook đang sử dụng những dữ liệu này để đào tạo công nghệ nhận diện khuôn mặt và mọi người cũng nên biết điều đó. Thật đáng để xem xét một lượng dữ liệu cá nhân khổng lồ đang được chia sẻ mà không cần sự yêu cầu nào”, Kate cho biết trong bài viết mới nhất của mình trên Wired.
Tất nhiên có rất nhiều người phản đối thuyết âm mưu này, vì cho rằng tất cả những bức ảnh đều được đăng tải và chia sẻ trên Facebook từ trước. Do đó Facebook nghiễm nhiên đã sở hữu được kho dữ liệu khổng lồ này mà không cần tới trào lưu 10 Years Challenge. Thậm chí hầu hết đây đều là những bức ảnh công khai, mà bất kỳ ai cũng có thể thu thập được.
Nhưng Kate cũng cho biết rằng: “Hãy tưởng tượng bạn muốn đào tạo một thuật toán AI nhận diện khuôn mặt với các đặc điểm liên quan đến tuổi, và cụ thể hơn đó là sự tác động của tuổi tác lên khuôn mặt khi bạn già đi. Lý tưởng nhất, đó là bạn muốn có một tập hợp các hình ảnh so sánh sự thay đổi của khuôn mặt sau 10 năm. Đó chính xác là những gì mà Facebook có được mà không tốn bất kỳ công sức nào”.
Quả thực việc thu thập dữ liệu không đơn giản như những gì chúng ta nghĩ. Bởi đó là lượng dữ liệu khổng lồ, mà nếu thu thập từng bức ảnh một của từng người dùng thì sẽ mất rất nhiều thời gian. Đó là chưa kể đôi khi người dùng không sử dụng hình ảnh khuôn mặt của họ để làm đại diện. Nói cách khác, sẽ đơn giản hơn rất nhiều khi bạn không mất công sức gì mà lại có được dữ liệu hình ảnh này một cách rõ ràng, chính xác và có cả mô tả kèm theo.
Những bức ảnh thường đi kém với những mô tả như được chụp ở đâu hay chụp như thế nào. Ví dụ như năm 2009 bạn đang ở trường đại học ABC, và năm 2019 bạn đang làm việc ở XYZ. Hay năm 2009 bạn đang ở Hà Nội, và năm 2019 bức ảnh được chụp ở thành phố Hồ Chí Minh.
Facebook phủ nhận việc nhúng tay vào trào lưu 10 Years Challenge
Đại diện của Facebook khẳng định trào lưu 10 Years Challenge là do người dùng tự tạo ra và tự lan truyền, Facebook không tạo ra trào lưu này và những hình ảnh đều đã được chia sẻ trước đó trên Facebook. Facebook cũng không thu được lợi ích gì từ trào lưu này và người dùng có thể lựa chọn bật hoặc tắt tính năng nhận diện khuôn mặt để tag hình ảnh.
Tuy nhiên Kate O’Neill vẫn cho rằng những dữ liệu này được Facebook thu thập và có thể không sử dụng ngay lúc này, nhưng có thể là bất kỳ khi nào trong tương lai. Vài năm qua, chúng ta đã thấy rất nhiều những ví dụ về các trào lưu mạng xã hội, từ các bài test, quizz hay đặt câu hỏi để thu thập dữ liệu của người dùng.
Mới đây nhất có lẽ là trào lưu “Cuộc đời bạn màu gì” trên Facebook, mặc dù không có bất kỳ ý nghĩa nào vì sử dụng thuật toán ngẫu nhiên nhưng lại được rất nhiều người dùng chia sẻ và sử dụng. Hay như vụ scandal Cambridge Analytica làm rúng động cộng đồng mạng thế giới, khi để lộ ra việc Facebook cho phép công ty bên thứ 3 thu thập dữ liệu của hơn 70 triệu người dùng.
Những mục đích và âm mưu của Facebook khi thu thập dữ liệu nhận diện khuôn mặt của người dùng
Liệu có phải là xấu và nguy hiểm khi Facebook sử dụng dữ liệu nhận diện khuôn mặt của bạn để đào tạo trí tuệ nhân tạo? Trên thực tế thì điều đó là không thể tránh khỏi, bởi tất cả những dữ liệu này bạn đã chấp nhận chia sẻ và công khai chúng, chỉ có điều bạn đang giúp Facebook thực hiện nó một cách dễ dàng hơn mà thôi.
Kịch bản tốt, đó là AI nhận diện khuôn mặt có thể giúp chúng ta tìm kiếm những người bị thất lạc từ nhiều năm trước. Cảnh sát New Delhi năm ngoái báo cáo đã theo dõi được 3.000 đứa trẻ mất tích chỉ sau 4 ngày sử dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt. Nếu những đứa trẻ bị mất tích trong nhiều năm, khuôn mặt của chúng sẽ thay đổi và trông rất khác với những bức hình ban đầu. Do đó một thuật toán nhận diện khuôn mặt dựa trên sự thay đổi về tuổi tác sẽ tỏ ra rất hữu ích.
Nhưng nếu là một kích bản xấu, công nghệ này sẽ được sử dụng để kiếm tiền nhờ hướng mục tiêu quảng cáo hiệu quả hơn. Các nhà quảng cáo có được dữ liệu hình ảnh, khuôn mặt của bạn, có thể là một vài thông tin khác như nơi sinh sống hay nghề nghiệp, nhờ đó mà Facebook sẽ kiếm được nhiều tiền hơn.
Hoặc công nghệ này cũng có thể sử dụng để đánh giá trong lĩnh vực bảo hiểm và chăm sóc sức khỏe. Sự thay đổi của bạn sau 10 năm có thể được các công ty này đánh giá để từ chối bán hàng hoặc trả nhiều tiền hơn vì bạn già quá nhanh.
Thậm chí Facebook có thể bán nó cho chính phủ hoặc các cơ quan thực thi pháp luật. Công nghệ nhận diện khuôn mặt là rất cần thiết trong việc giám sát và điều tra tội phạm. Đặc biệt đó lại là công nghệ có thể nhận diện khuôn mặt thay đổi sau nhiều năm, có thể dùng để nhận diện những tên tội phạm đã lẩn trốn và đang bị truy nã.
Năm 2016, Amazon cũng đã bắt đầu bán các dịch vụ nhận diện khuôn mặt theo thời gian thực cho các sở cảnh sát ở Orlando và Hạt Washington, Oregon. Tuy nhiên công nghệ này còn được sử dụng để giám sát người dân, dẫn đến việc Liên minh Tự do Dân sự Mỹ yêu cầu Amazon ngừng bán dịch vụ này.
Tạm kết
10 Years Challenge hay bất kỳ trào lưu nào trên mạng xã hội, đều có thể ảnh hưởng theo những cách không tốt đối với người dùng. Tuy nhiên, những ảnh hưởng này có thể không đến mức nghiêm trọng, như việc người dùng bị hack tài khoản hay đánh cắp thông tin mật khẩu. Chúng chỉ giúp các công ty khác có được những dữ liệu cá nhân của bạn.
Trong bối cảnh mà các dịch vụ internet miễn phí như Facebook phát triển, người dùng không phải là khách hàng mà là sản phẩm. Tài sản có giá trị nhất chính là dữ liệu và thông tin cá nhân của người dùng. Các công ty quảng cáo và doanh nghiệp mới là khách hàng.
Tham khảo: wired