Khoảng 2 năm trở lại đây, đặc biệt là mùa hè 2019, một loài gián lạ đã ồ ạt tấn công nhiều chung cư ở Hà Nội và Tp. HCM.
Theo miêu tả của người dân, chúng nhỏ hơn gián thường, không bay được và chạy rất nhanh, điều đáng ngại là chúng tỏ ra "nhờn" với các loại thuốc diệt côn trùng. Thậm chí, đội ngũ diệt gián với dụng cụ và hóa chất chuyên dụng đã vào cuộc nhưng chỉ được một thời gian là loài côn trùng đáng ghét này lại xuất hiện.
Loài gián ngoại lai này có kích thước nhỏ hơn gián thường ở Việt Nam, dễ dàng phân biệt bởi màu sắc và những sọc trên lưng
Loài gián ngoại lai này thực chất là gián Đức (Blattella germanica), kích thước của con trưởng thành đạt 1,3 - 1,6cm, thậm chí lớn hơn. Gián Đức từng trở thành nỗi kinh hoàng của người Anh - vì chúng ăn và gặm nhấm tất cả mọi thứ, từ da, sách, bao bì nhựa cho đến thức ăn.
Nếu gặp điều kiện thuận lợi, một cặp gián Đức có thể tạo ra 10.000 hậu duệ chỉ trong 1 năm và quá trình sinh sản diễn ra ác nhất vào những tháng mùa hè.
Theo chuyên trang về dịch hại Pest Wiki, gián Đức ưa thích môi trường nóng và ẩm, đặc biệt là khu vực nhà bếp. Tuy cũng có cánh nhưng chúng hiếm khi bay lượn và chủ yếu mò ra kiếm ăn vào ban đêm. Cách đơn giản nhất để kiểm tra xem trong nhà có gián Đức hay không, là nhìn vào những kẽ hở ẩm ướt, tối tăm trong nhà bếp.
Dưới đây là 10 sự thật không phải ai cũng biết về gián Đức và một số cách để tiêu diệt loài côn trùng này:
1. Gián Đức có quá trình biến thái (metamorphosis) không hoàn toàn.
2. Gián Đức là vật trung gian lây truyền khuẩn đường ruột salmonella và các bệnh khác.
3. Phần vỏ cứng bảo vệ sau đầu (pronotum) của gián Đức rất dễ nhận biết với 2 sọc đen dọc.
4. Trứng gián Đức (ootheca) có thể chứa tới 35 - 40 ấu trùng gián con.
5. Trong điều kiện thuận lợi, trứng gián Đức mất 1 tháng để nở.
6. Gián Đức cái sẽ giữ bọc trứng gần 1 tháng, đến khi sắp nở mới nhả ra.
7. Tùy vào nguồn thức ăn, một con gián Đức mất từ 6 tuần đến 6 tháng để trưởng thành.
8. Không mấy khi bay lượn nhưng gián Đức lại thích ở chỗ cao (chung cư), nơi có nhiệt độ, độ ẩm cao.
9. Với kết cấu arolium dưới lòng bàn chân, gián Đức có thể leo trèo trên bề mặt nhẵn nhụi.
10. Ở giai đoạn nhộng (nymph), gián Đức có một mảng nhạt màu ở giữa ngực.
Khi xuất hiện gián Đức trong nhà, cần phải xem xét lại ngay tình hình vệ sinh trong gia đình, đặc biệt là khu vực nhà bếp, nhà tắm. Trông có vẻ vô hại nhưng gián Đức và gián thành phố nói chung, là loài trung gian mang mầm bệnh kiết lị, viêm dạ dày ruột.
Phân gián thậm chí cũng liên quan đến sự gia tăng bệnh chàm, gây kích ứng tạo ra cơn hen suyễn.
Tham khảo Wiki Pest