Trong thế giới Pokémon, sức mạnh là thứ những nhà huấn luyện với tham vọng lớn luôn theo đuổi. Tứ Thiên Vương Karen nói: "Pokémon mạnh. Pokémon yếu. Đó chỉ là nhận định ích kỷ của người đời. Nhà huấn luyện thực sự giỏi sẽ tìm cách thắng với Pokémon họ thích."
Nhưng nếu bỏ qua năng lực tư duy của nhà huấn luyện, làm thế nào để đánh giá sức mạnh của Pokémon?
Trước hết xin thống nhất quan điểm: Để đánh giá "tố chất" của một Pokémon, bài viết giới thiệu 4 bước nhu sau:
Bước 1: Định hướng Base stat (Bộ chỉ số)
Mọi Pokémon đều có 6 stat đo lường năng lực chiến đấu: Hit Point, Attack, Defense, Special Attack, Special Defense, và Speed. Tương quan giữa 6 stat này là yếu tố chính quyết định vai trò của một Pokémon: tấn công, phòng thủ, hay hỗ trợ. Chẳng hạn, Alakazam có HP và Defense thấp, bù lại Sp.Attack và Speed tốt tạo cơ hội đánh phủ đầu và hạ gục đối thủ. Ngược lại, các chỉ số tấn công của Toxapex quá tệ để gây sát thương, nhưng nó có các chỉ số phòng thủ đủ tốt để xông vào đỡ đòn và hỗ trợ.
Một bộ stats chỉ mạnh khi tập trung vào những stat cần thiết, hoặc chí ít các stats đồng đều và không quá thấp. Đôi khi chỉ số của Pokémon quá thấp, hoặc tương quan giữa các chỉ số không phù hợp để nó làm tốt một vai trò nào cụ thể. Chẳng hạn, Chandelure có Sp.Attack cao ngất ngưởng nhưng Speed không đủ nhanh để đánh phủ đầu trong khi HP và Defense lại quá thấp để trụ lại sau một đòn tấn công mạnh.
Bước 2: Xem xét Type (Hệ)
Có tổng cộng 18 hệ, giữa các hệ có mối quan hệ tương khắc lẫn nhau (type matchup). Type matchup phần nào quyết định khả năng phòng thủ của Pokémon. Ví dụ như hệ Steel chỉ nhận sát thương gấp đôi từ 3 hệ, nhưng kháng một nửa sát thương từ 10 hệ khác. Điều này khiến đa số Pokémon hệ Steel mạnh về phòng thủ.
Một số cặp hệ (dual-type) tương hợp giúp khả năng phòng thủ lên đáng kể, chẳng hạn như trong Grass/Steel của Ferrothorn, Steel đã loại bỏ hết 4 trong 5 điểm yếu của Grass. Ngược lại ở Abomasnow, hệ Ice khi kết hợp với Grass không những không loại bỏ điểm yếu nào của Grass mà còn "tặng" thêm 3 điểm yếu nữa.
Bước 3: Phân tích Learnset (Bộ chiêu thức)
Learnset là tập hợp mọi chiêu thức mà một Pokémon có thể học được. Một learnset mạnh cần đáp ứng một hoặc nhiều trong số những điều kiện sau:
(1) Learnset có nhiều chiêu thức với base power cao (trên mức 100), đặc biệt những chiêu được hưởng STAB (same type attack bonus);
(2) Learnset tập hợp được chiêu thức từ nhiều hệ làm tăng độ phủ hệ (type coverage), và bọc lấy một số điểm yếu của Pokémon – chẳng hạn, Charizard dùng Solar Beam để chống lại cả ba điểm yếu của hệ Fire;
(3) Learnset có nhiều chiêu thức đa dụng phù hợp với vai trò của Pokémon. Một số Pokémon không cần những chiêu công phá mạnh, chỉ cần những chiêu hồi phục giúp chúng sống sót và hỗ trợ đồng đội. Một ví dụ điển hình là Chansey. Base HP khổng lồ không đủ để nó sống lâu nếu thiếu khả năng hồi phục từ Soft-Boiled. Ngoài ra, Chansey còn có hàng tá chiêu thức hỗ trợ khác như Wish, Heal Bell, Toxic, Thunder Wave… Một learnset như vậy được xem là learnset mạnh đối với một Pokémon có vai trò phòng thủ.
Bước 4: Khai thác Ability (Đặc tính)
Pokémon nào cũng có một ability, và công dụng của ability vô cùng đa dạng. Một số ability rất hữu dụng, thậm chí quyết định hoàn toàn sức mạnh của Pokémon sở hữu nó. Ví dụ, không có Huge Power, Azumarill chẳng thể làm gì với mức Attack 50, và mặc dù chỉ số phòng thủ cũng như HP khá, nó không có đủ khả năng hồi phục để đứng ở vị trí phòng thủ.
Cũng có những ability không có công dụng gì trong chiến đấu (Run Away, Illuminate) hoặc thậm chí có hại (Truant, Defeatist). Không có thước đo nào để xác định sức mạnh của một ability. Có chăng một ability được xem là mạnh khi nó hỗ trợ tốt cho 3 yếu tố kể trên.
Tóm lại, sức mạnh của một Pokémon được thể hiện qua việc nó làm tốt chức năng của mình ở mức độ nào. Để làm được điều đó, Pokémon cần một bộ stats được phân bố đúng định hướng và những yếu tố khác tạo điều kiện để phát huy bộ stats đó như type, ability và learnset.
Như Karen đã nói, một Pokémon không có sẵn tố chất vẫn có thể mạnh nếu ở trong tay một nhà huấn luyện thông minh và có kinh nghiệm. Trong trường hợp đó, tố chất của nhà huấn luyện đã bù đắp thiếu sót của Pokémon. Có lẽ đây là bản chất thực sự của thứ được gọi là sự gắn kết giữa nhà huấn luyện và Pokémon của mình.