1. Biệt thự bỏ hoang dốc Prenn – Đà Lạt.
Đà Lạt từ lâu đã nổi tiếng là một thành phố du lịch hút khách bậc nhất Việt Nam, sở hữu những ngôi biệt thự cổ kính, lạnh lẽo, rêu phong có từ thời Pháp. Nếu là người tò mò, yêu thích sự rùng rợn, kỳ bí, thì Biệt thự dốc Prenn chính là điểm đến phù hợp cho bạn.
Theo thông tin từ người dân bản địa, ngôi biệt thự này do một tên quan chức người Pháp nổi tiếng là một kẻ ăn chơi trác táng xây dựng vào năm 1912, cũng chính hắn đã đẩy một cô gái trẻ phải tự tìm đến cái chết oan uổng tại khu biệt thự này. Một dị bản khác kể lại rằng, cô gái này đã được viên chức người Pháp mời đến nhà chơi, sau đó bị hãm hiếp và giết hại. Thi thể cô đã bị hắn ném xuống giếng trong khuôn viên ngôi biệt thự.
Từ đó, người dân nơi đây bắt đầu truyền tai nhau về sự xuất hiện của một cô gái mặc đồ trắng hay vẫy xe ở đèo, xin đi nhờ lên Đà Lạt. Một số tài xế dừng lại và cho cô lên xe nhưng kỳ lạ thay, sau khi lên xe một lúc thì cô gái này biến mất. Đôi khi có những tài xế còn bị chệch hướng tay lái. Theo lời kể của một số bác tài hay lái xe qua dốc Prenn, họ cũng đã gặp một cái bóng trắng đang ngồi đung đưa trên ban công ngôi nhà.
Ngoài ra, những người đã từng ngủ trong căn nhà này đều gặp hiện tượng lạ khiến họ thường giật mình tỉnh giấc giữa đêm, một số trường hợp giật mình tỉnh dậy còn thấy mình đang nằm ngoài hành lang.
2. Ngôi nhà hoang số 300 Kim Mã – Hà Nội
Nổi tiếng không kém gì biệt thự đèo Prenm chính là ngôi nhà hoang tại phố Kim Mã, một trong những tuyến đường đông đúc nhất của Thành phố Hà Nội.
Từ năm 1982 đến năm 1991, căn nhà số 300 Kim Mã được xây dựng với mục đích để dùng làm trụ sở của Đại sứ quán Bungari. Dù nằm trên "tuyến phố kim cương" của thủ đô, nhưng vì một số lý do mà ngôi nhà đã bị bỏ hoang. Qua hơn 20 năm, kiến trúc đã bị mục nát, rêu phong, chìm trong màu sắc u uất, hoang tan, tô thêm màu sắc u tối cho những câu chuyện ma nhân dân kể lại.
Theo lời kể của người dân, năm xưa ở đây, Đức thánh Linh Lang đã thu nạp 121 chiến sĩ để diệt quân Tống. Khi nghĩa quân về qua làng Vạn Phúc, một trong số 121 người đã "hóa" ở mảnh đất này. Chính vì vậy, để tưởng nhớ công ơn những chiến sĩ năm ấy, dân làng đã lập miếu thờ trên dãy núi Bò (chính là khu nhà số 300 Kim Mã hiện nay) và đặt tên là Miếu Ông.
Tuy nhiên, càng về sau, người đến miếu càng ít, ngôi miếu bị bỏ bê không ai hương khói nên càng trở nên vắng lạnh. Thêm vào đó, miếu lại không có mái che, vào ngày mưa làm lễ thì sẽ ướt hết đồ cũng như nhang không thể bén, lâu dần rêu phong phát triển làm ngôi miếu trở nên vô cùng đáng sợ. Đứng trước nguy cơ Miếu Ông bị bỏ hoang, mọi người đã họp bàn xây mái che cho miếu và khuyến khích người dân đến dâng hương dù theo phong tục, những người chết ngoài đường phải để miếu trần.
Tuy nhiên, khi xây xong, nhiều chuyện không may đã xảy ra với nhân dân trong làng. Vì sợ hãi, cư dân đã phá mái che đi và từ đó làng lại bình an vô sự. Theo lời người dân, ngôi miếu này rất thiêng bởi đã có vài lần, người dân đã thay đổi hướng Miếu Ông nhưng không phải hướng nào cũng hợp. Có thời gian quay ra hướng Nam thì dân làng lại chịu nạn cướp bóc, đổi sang hướng Tây quay về xóm Trên (Vạn Phúc Thượng) thì những phụ nữ ở đó bị lông quặm. Sau cùng, đổi hướng miếu về phía Đông người dân mới sống yên ổn.
3. Ngôi nhà ma ám ở Bắc Giang
Ngôi nhà cấp 4 hướng ra mặt phố Quang Trung, thôn Trân Biều, thị trấn Thắng, Hiệp Hòa, Bắc Giang đã từ lâu nổi tiếng với câu chuyện 4 đời chủ nhà đều gặp tai ương và những lời đồn đoán huyễn hoặc. Đến nay, qua nhiều lần đổi chủ, ngôi nhà vẫn bị khóa trái cửa và bỏ hoang mấy năm trời mặc kệ mưa nắng và rêu phong dần bao trùm càng tạo nên vẻ ngoài u ám đến lạnh người.
Người dân xung quanh cũng không rõ ngôi nhà được xây từ khi nào mà chỉ biết 4 đời chủ gần nhất là đều chịu những cái chết bất đắc kỳ tử rồi dọn đi sau ít lâu khiến căn nhà trống chỉ có một bàn thờ không khói hương vốn đã tồi tàn nay lại nhuốm thêm vẻ ma mị hơn giữa mảnh đất gần bờ ao lạnh lẽo.
Theo dân làng, có khá nhiều bộ đội và cả những người chết đuối trôi nổi ở sông Cầu gần đó đều chôn cất ở đây. Không chỉ thế, người dân còn đồn thổi về câu chuyện về hai người lính Lê Dương đã bị bắn chết tại đây, hiện hài cốt vẫn nằm dưới nền móng và hồn ma họ vẫn ám ảnh ngôi nhà cả trăm năm nay.
4. Công viên Tao Đàn
Công viên Tao Đàn được xem là "vườn thượng uyển" của Quận 1, TP.HCM. Nếu đi sâu vào công viên, nhìn về phía bên tay phải, bạn sẽ thấy nhiều cụm mộ cổ nhiều năm tuổi đặt tại đó. Dù không liên quan đến ngôi mộ nhưng những người giữ xe ở đây ai cũng biết đến câu chuyện thương tâm về đôi trai gái trẻ chết.
Chuyện kể lại rằng từ rất lâu trước đây, có một đôi tình nhân thường hay hẹn nhau ra tâm sự ở công viên nhưng một ngày, chàng trai trễ hẹn nhưng vẫn không thấy cô gái nên rất lo lắng. Về sau, chàng trai mới biết cô gái đã bị hãm hiếp tập thể và chết ngay tại một góc trong công viên. Cú sốc đó khiến chàng trai đau khổ, dằn vặt và chết trong tuyệt vọng.
Từ đó cho đến nay, những người đi tập thể dục ở công viên lúc tờ mờ sáng hay nhập nhoạng tối vẫn thi thoảng bắt gặp một nam thanh niên áo trắng đi lang thang trong khuôn viên, nhưng gọi thì không bao giờ quay lại, cũng không thấy mặt rồi biến đi rất nhanh.
5. Dinh thự 99 cửa
Vào những năm cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, Chú Hỏa (1845 – 1901) nổi lên với danh tiếng một thương gia tài giỏi bậc nhất Sài Gòn cùng với ngôi biệt thự 99 cửa bề thế của gia tộc họ Hứa. Tồn tại hơn 100 năm nay, căn biệt thự cổ nằm ở khu tứ giác đắc địa từ đó đến nay vẫn chìm đắm trong màu sắc tâm linh bí ẩn với câu chuyện về "hồn ma nhà họ Hứa".
Có rất nhiều giai thoại xung quanh gia đình của gia tộc này, nhưng có lẽ nổi tiếng nhất và khiến người Sài Gòn luôn hoài nghi mỗi khi nhắc đến đó chính là: Hồn ma nhà họ Hứa – bi kịch của nàng tiểu thư xinh đẹp Hứa Tiểu Lan.
Câu chuyện được truyền lại rằng: Chú Hỏa có 3 người con trai và 1 cô con gái út xinh đẹp tên Hứa Tiểu Lan. Vì là con gái duy nhất, lại xinh đẹp nên Tiểu Lan rất được chú Hỏa cưng chiều. Không may sau đó, cô lại mắc bệnh phong cùi mà thời đó y khoa chưa chữa được nên khiến cả cô lẫn gia đình tuyệt vọng.
Vì quá thương con gái, sợ cô không chịu được miệng lưỡi người đời nên ông đã giam lỏng tiểu thư trong một phòng tối trên tầng cao nhất của tòa biệt thự. Hằng ngày, giao cho kẻ ăn người ở thay nhau đưa đồ ăn, thức uống cùng quần áo cho tiểu thư thông qua một khe cửa và đặc biệt, tất cả mọi người đều phải đi lùi, không được nhìn mặt tiểu thư.
Vốn là một tiểu thư đài các muôn phần xinh đẹp bỗng nhiên biến thành một quái nhân ghẻ lở khắp người, mặc cảm bản thân cộng thêm việc bị đẩy vào một căn phòng tách biệt với xã hội nên Tiểu Lan càng lúc càng trở nên tuyệt vọng. Ít lâu sau, Tiểu Lan qua đời trong đau đớn cả về mặt thể xác lẫn tinh thần.
Tuy nhiên, ông Hỏa không thể chấp nhận được sự ra đi của người con gái xinh đẹp nên ông quyết định không khâm liệm mà đặt thi hài tiểu thư trong một quan tài bằng đá, nắp là một tấm kính dày 5cm và hằng ngày vẫn có một bà vú mang thức ăn lên phòng như khi Tiểu Lan còn sống.
Ngày giỗ đầu của tiểu thư, ông đặt may một bộ váy trắng, một con búp bê biết nháy mắt và một đĩa cơm gà để cúng. Sau khi khách về hết, bà vú lên phòng dọn dẹp thì bất ngờ hét lớn rồi chạy bán sống bán chết xuống dưới, miệng luôn lặp lại một câu nói: "Cô chủ về rồi! Cô chủ về rồi!…"
Trong căn phòng ngập âm khí, nắp quan tài bằng kính bị bật tung, con búp bê đứng hẳn trên lồng kính, đôi mắt nháy không ngừng, còn đĩa cơm thì vơi đi một nửa. Biết đó là chuyện chẳng lành, gia đình ông Hỏa đành lòng bí mật đem thi hài Tiểu Lan đi chôn cất tại một nơi cách xa thành phố.
Kể từ đó, mỗi khi đêm về, người ta lại nghe tiếng khóc than ghê rợn phát ra từ hướng căn phòng cũ của cô tiểu thư hồng nhan bạc mệnh. Cho đến ngày nay, người dân Sài Gòn vẫn còn truyền tai nhau về hồn ma nhà họ Hứa.