A-1 Pictures là một cái tên không mấy xa lạ gì với fan anime, công ty này đã liên tục cho ra đời hàng loạt những bộ siêu phẩm vào mỗi năm, đủ nhiều để cho con dân otaku không phải rơi vào tình trạng đói khát anime. Thế nhưng, đằng sau những bộ siêu phẩm liên tục được ra đời đó lại là dây chuyền sản xuất công nghiệp mang đầy tính bóc lột sức lao động của mỗi một người nhân viên.
A-1 Pictures được ra đời vào năm 2005, với mục đích ban đầu là giám sát cho các dự án anime của Aniplex, nhưng dần dà thì công ty này đã tự phát triển và mở rộng tên tuổi bằng cách tự sản xuất và cho ra đời những bộ anime được chuyển thể hay những bộ original từ năm 2006. Tới sau năm 2010, A-1 Pictures mới thật sự là một máy đẻ anime mang đầy tính chất công nghiệp dựa trên bóc lột sức lao động của nhân viên công ty.
Liên tiếp 2011 và 2012, A-1 Pictures đã cho ra đời hai bộ siêu phẩm là Anohana và Sword Art Online. Sau sự bùng nổ của “cặp đôi song sát” anime này, tên tuổi của “con trai cưng” nhà Sony đã được vang xa tại cộng động anime trong nước cũng như quốc tế. Đây cũng chính là động lực để cho studio A-1 Pictures này liên tiếp cho ra đời những tác phẩm anime, góp phần không nhỏ trong việc định hình cả một thế hệ fan anime như Your Lie In April, Erased, Eromanga Sensei,…
Với lượng anime được sản xuất ra trong một năm có thể sánh ngang với các studio lớn khác như Toei Animation, chắc hẳn nhiều bạn vẫn nghĩ A-1 Pictures là một công ty rất lớn với hàng trăm ngàn nhân viên thì mới có thể sản xuất ra được lượng anime lớn cho một năm như vậy. Nhưng trên thực tế thì studio này chỉ là một công ty nhỏ với số lượng nhân viên tính tới giờ là 151 người mà thôi. Đây là một con số quá là “baby” nếu so sánh với Mappa – 310 nhân viên, còn đối với “cụ tổ” Toei với lượng nhân viên là trên 1200 thì số nhân viên của A-1 Pictures chẳng bằng một góc với bên đó.
Mặc dù nhân viên ít là thế, nhưng với chính sách như một ma cà rồng, hút cạn máu của các nhân viên mà A-1 Pictures đã có thể cho ra hàng chục bộ anime vào mỗi năm. Điều đó là quá khủng khiếp so với các hãng studio anime khác, ngay cả Toei với nhân công khủng như vậy mà mỗi năm cũng chỉ có thể cho ra được một nửa lượng anime so với A-1 Pictures.
Dù nhân công ít là thế, nhưng với sự hậu thuẫn của Aniplex và Sony Music, A-1 Pictures đã mặc sức “vung tiền” thuê các freelancer về làm việc cho mình. Các vị trí chủ đạo trong dự án anime như Key animation, đạo diễn hình ảnh và tập phim, biên kịch chính,… (những nhân viên chính thức) ở A-1 Pictures đều phải phụ thuộc vào các freelancer hay thậm chí phải nghe lời những người làm thời vụ mà mình không hề quen biết này. Cũng chính vì số lượng nhân viên bên ngoài nhiều hơn nhân viên chính thức, nên A-1 Pictures không thể can dự trực tiếp vào quá trình cho ra lò của những bộ anime, dẫn tới việc nội dung có được các fan yêu thích hay không studio này cũng không biết được.
Việc sản xuất anime đại trà như A-1 Pictures cũng đã khiến cho studio này bị thiếu đi bản sắc riêng cho chính mình. Nhìn vào các studio khác, khi nói tới sự moe, dễ thương của các loli cùng với lối dẫn truyện độc đáo làm xao xuyến hàng triệu trái tim thì người ta sẽ nghĩ ngay studio Kyoto Animation, hay nói tới phong cách avanga đầy ma mị, trừu tượng thì không thể không nhớ tới SHAFT studio, hoặc với lối vẽ độc đáo cùng với những nội dung đầy ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mạch truyện nhẹ nhàng tình cảm thì khi vừa nhìn vào tạo hình nhân vật, các fan anime sẽ đều biết ngay đâu là phim của Studio Ghibli.
Với sự thay nhân viên như thay áo của A-1 Pictures, thường xuyên thuê freelancer ngắn hạn mà không chịu đào tạo giới trẻ hay giữ lại những nhân tài làm cốt cán, đã khiến cho studio này tuy có nhiều anime được ra đời liên tục trong năm nhưng chất lượng thì lại không đồng đều.
Việc liên tục cho ra đời các bộ anime đã dẫn tới hậu quả trầm trọng là nhân viên chính thức của A-1 Pictures đang rơi vào tình trạng làm việc quá sức. Đây cũng chính là phần đáng bị phốt nhất của công ty này. Dù có rất nhiều tiền, nhưng A-1 Pictures sẵn sàng vung tiền cho các freelancer mà không chịu bỏ tiền ra tuyển thêm nhân viên chính thức cho công ty, dẫn tới một vài người trong công ty đã bị studio này vắt kiệt sức mà trầm cảm.
Có thể bạn muốn xem thêm: Đã là fan của thể loại kinh dị, thì đừng bỏ qua những manga dưới đây
Tồi tệ hơn là một cựu nhân viên của công ty này đã tự vẫn vì bị khủng hoảng tâm lý do làm việc quá giờ trong một thời gian dài. Cụ thể là anh chàng nhân viên này đã phải làm việc từ 134 giờ có khi lên tới 344 giờ cho một tháng. Đây cũng là một cái phốt rất lớn ảnh hưởng tới cả danh tiếng dành cho studio này.
Qua những điều trên, nói A-1 Pictures là “máy đẻ” công nghiệp vắt kiệt sức lực lao động nhân viên quả thật là không ngoa chút nào. Nhưng dù sao, studio này cũng đã mang đến cho con dân otaku được nhiều bộ siêu phẩm anime, tuy cũng có một vài bộ lại không được chào đón cho lắm. Nhưng với sức lực và sự giàu có của A-1 Pictures, studio đủ sức để có thể thuê về nhiều nhân tài, tạo nên được nhiều siêu phẩm độc đáo về mặt đồ họa, kỹ thuật lẫn nội dung, chỉ cần studio này “đẻ” ít lại là được.
Thật đáng mừng, vì giờ đây A-1 Pictures cũng đã ít “đẻ” lại mà thay vào đó, họ đã tập trung nhiều hơn về mặt kỹ thuật cũng như nội dung để có thể tạo thêm danh tiếng tốt hơn cho studio nhà mình. Tuy chưa thể so sánh với các nhà studio đình đám hơn nhưng đây cũng là một tín hiệu đáng mừng dành cho A-1 Pictures.