Trên đời chẳng thiếu những cái chết vì lý do khó đỡ, có người bị đại bàng thả nhầm rùa vào đầu, có người vấp ngã trong nhà xí… Thế nhưng, có lẽ cái chết của vua Thụy Điển Adolf Fredrik là vô tiền khoán hậu: Chết vì ăn quá nhiều.
Vua Thụy Điển danh tiếng ngời ngời…
Xuất thân của Adolf Fredrik rất cao quý khi cha ông là công tước Christian Augustus còn mẹ ông là Albertina Frederica của Baden-Durlach – một trong số các hậu duệ hoàng gia lâu đời của Thụy Điển. Tuy nhiên, con đường làm vua chúa của ông không có nhiều điểm nhấn đáng chú ý như nhiều ông hoàng khác.
Quãng thời gian trị vì từ năm 1751 của Adolf Fredrik cho đến lúc cuối đời đều được đánh giá là nhu nhược, bù nhìn. Điểm tích cực hiếm hoi khi nhắc đến Adolf Fredrik có lẽ là việc ông có những mẫu trang trí hộp thuốc lá siêu đẹp và cái chết không thể kì quặc hơn.
… nhưng lại quy tiên vì ăn quá nhiều
Người ta kể rằng vào ngày thứ ba trước tuần chay (Shrove Tuesday/Mardi gras), tức là ngày cuối cùng trước khi bước vào mùa ăn chay của đạo Cơ Đốc. Theo tục lệ, trong ngày này các tín đồ sẽ được ăn một bữa thịnh soạn nhất có thể để thỏa mãn sở thích trước lúc bắt đầu những ngày ăn chay thanh tịnh
Sau khi ăn bữa ăn thịnh soạn, nhà vua còn gọi thêm 14 chiếc bánh semla béo ngậy
Là một tín đồ Cơ Đốc, tất nhiên vua Adolf cũng tuân thủ nghiêm ngặt những quy định về mùa ăn chay. Thế nên, vào bữa ăn tự do cuối cùng trước khi vào mùa chay, ông đã chuẩn bị cho mình một bàn đầy ắp các món sơn hào hải vị như tôm hùm, cá tầm, cá trích, muối, thịt luộc, dưa muối và cả rượu champagne. Sau khi thưởng thức hết bữa, vẫn cảm thấy chưa vừa bụng, nhà vua còn ra lệnh dọn thêm 14 chiếc bánh semla. Cần phải nói thêm rằng bánh semla là một món đặc sản của Bắc Âu với thành phần khá… bổ dưỡng bao gồm bột mì, kem đánh, sốt hạnh nhân, đường kèm với sữa nóng, quế và nho khô.
Ngày nay chiếc bánh semla vẫn là món ăn được người Thụy Điển yêu thích và nằm trong danh sách nhất định phải thử nếu du khách đến thăm đất nước này.
Sau bữa ăn hơn cả thịnh soạn này, nhà vua đi ngủ. Tuy nhiên, ông không ngờ được rằng đêm hôm đó, ông mắc chứng khó tiêu nặng (do ăn quá nhiều đồ) và qua đời đột ngột ở tuổi 61. Cái chết của vua Adolf tuy không mấy vẻ vang, nhưng nhờ thế mà người ta nhớ đến ông cùng món bánh semla.
Còn đối với người dân Thụy Điển, mặc dù cũng rất tiếc thương cho vị vua của mình, nhưng họ vẫn không thể bỏ được bánh semla. Thậm chí, họ còn ăn nhiều hơn và đặt cho nó thêm một cái tên mới nghe khá bắt tai là fettisdagsbulle dịch ra có nghĩa là bánh của ngày mardi gras.