Ai cũng biết tiền trên phim không phải thật nhưng bạn có thắc mắc nó được tạo ra như thế nào?

Nếu tiền trong phim lưu hành thật thì ai đó sẽ bị sa thải, ngồi tù và Mật vụ Mỹ bắt đầu nhúng tay vào câu chuyện.

"Tôi vừa gặp Mật vụ Mỹ xong, giờ đang ra bãi đỗ xe", ông Rich "RJ" Rappaport nói với phóng viên CNN qua điện thoại trước khi bắt đầu cuộc phỏng vấn.

Chủ đề của họ là về fake money hay còn gọi là prop money - những tờ giấy "đóng vai" đô la được làm ra để phục vụ trong các bộ phim Mỹ (khác với tiền giả trái pháp luật là Counterfeit money).

Ai cũng biết tiền trên phim không phải thật nhưng bạn có thắc mắc nó được tạo ra như thế nào? - Ảnh 1.

Rich "RJ" Rappaport chuyên sản xuất tiền dùng để đóng phim (Ảnh: Great Big Story)

Người đàn ông với biệt danh RJ là nhà sáng lập của công ty RJR Props chuyên sản xuất tiền phim cho Hollywood. Sản phẩm của ông đã xuất hiện trong những bộ phim lấy đề tài cuộc sống giới thượng lưu, tài chính, trộm cắp, gián điệp, ví dụ như "The Wolf of Wall Street", "The Fast and the Furious", series phim "Ozark" trên Netflix và trong các MV của rapper 50 Cent hay Kendrick Lamar.

Ai cũng biết tiền trên phim không phải thật nhưng bạn có thắc mắc nó được tạo ra như thế nào? - Ảnh 2.

Một cảnh trong phim "The Wolf of Wall Street" (Sói già phố Wall)

Dù đã có nhiều kinh nghiệm dày dặn, nhưng RJ cho rằng ngành công nghiệp làm tiền phim luôn đầy rủi ro, đó là lí do vì sao ông phải đến gặp Mật vụ Mỹ trước khi trả lời phỏng vấn trên đài CNN.

"Trước hết, tôi muốn nói rõ về vấn đề pháp lí. Trên thực tế, có khá nhiều công ty đang sản xuất tiền phim trái pháp luật, nếu bị phát hiện, bộ phim sẽ đóng máy ngay lập tức, và ai đó sẽ bị sa thải, ngồi tù", RJ tiết lộ.

Ranh giới giữa tiền phim và tiền thật

Về mặt kĩ thuật, sản xuất tiền phim phải tuân thủ nghiêm ngặt điều luật Liên bang Mỹ được quy định tại Đạo luật chống tiền giả năm 1992. Theo đó, tiền phim có khổ giấy lớn hơn rõ rệt so với tiền thật. Tuy vậy, không phải ai cũng tuân theo đạo luật này và nhiều vấn đề đã phát sinh.

Năm 2001, khi quay bộ phim "Rush Hour 2" ở Las Vegas, khoảng 1 tỷ đô tiền phim bị thổi tung trong 1 phân cảnh. Nhiều tờ tiền bay "hơi xa" rồi hạ cánh vào tay quần chúng, sau đó lưu thông vào thị trường. Điều đáng nói là các tờ tiền này y như thật. Mật vụ Mỹ liền nhảy vào và các đạo luật về sản xuất tiền phim được siết chặt hơn nữa.

RJ khẳng định công ty mình là tay sừng sỏ trong ngành sản xuất tiền phim, vì vậy ông trình báo trực tiếp với chính phủ khi phát hiện những tờ tiền phim quá giống thật. Lưu ý, mức độ "giống thật" phải được xem xét trên hai khoảng cách khác nhau - lúc cầm tiền trên tay và lúc cách xa khoảng 40cm (khoảng cách trung bình giữa người này với người kia khi tờ tiền trao tay).

"Tiêu chuẩn của chúng tôi vẫn là sản xuất tiền có 2 mặt, nhưng áp dụng ảo ảnh quang học để làm tờ tiền giống y như thật khi nhìn xa, nhưng hoàn toàn 'giả dối' khi bạn quan sát gần. Mục đích nhằm cho 'đạo cụ tiền' được công chúng tin tưởng khi lên phim nhưng hoàn toàn vô giá trị nếu ai đó đem đi siêu thị", RJ nói.

Ai cũng biết tiền trên phim không phải thật nhưng bạn có thắc mắc nó được tạo ra như thế nào? - Ảnh 3.

Rất nhiều tiền, nhưng không phải là thật (Ảnh: rjrprops.com)

Có thể bạn sẽ thắc mắc rằng trong phim cũng có những cảnh quay cận tờ tiền như đếm tiền, mở va li đầy tiền, lấy tiền "dằn mặt" đối phương cơ mà? Khi đó, tờ tiền phim sẽ được làm giống y như thật, vô cùng tinh xảo, nhưng nó chỉ in 01 mặt mà thôi.

Theo luật liên bang, tiền phim không được mô phỏng quy trình sản xuất của tiền thật. Vì vậy công ty RJR Props nghĩ ra thiết kế tờ tiền riêng của họ.

"Đầu tiên, chúng tôi vẽ bản thảo trên nền giấy đen, và làm cho nó hoàn hảo nhất có thể. Một vài loại giấy của chúng tôi có ánh màu lướt nhẹ khi bạn vẫy tờ tiền: hồng - vàng - hồng hoặc là xanh lá - vàng - xanh lá [mục đích để phân biệt tiền thật]. Chúng tôi là công ty duy nhất trên thế giới làm như vậy vì rất đắt đỏ", ông chủ RJ cho biết.

Ai cũng biết tiền trên phim không phải thật nhưng bạn có thắc mắc nó được tạo ra như thế nào? - Ảnh 4.

Chi tiết một tờ "tiền phim" do công ty RJR Props sản xuất

Một số chi tiết khác trên tiền phim để phân biệt với tiền thật bao gồm (xem ảnh trên):

- Dòng chữ bên dưới số "100" (đô la) không phải là "United States Federal Reserve" (Cục Dự trữ Liên bang) mà là ""Unreal Fake Currency Reserve" (Cục dự trữ tiền fake không có thật).

- Hình ảnh chân dung Franklin trên tờ tiền phim là được phác họa và không có tên ông đặt ở bên dưới.

-  Chữ "United States" được cố tình viết sai kí tự đầu tiên, từ "U" sửa thành "W" và một số chi tiết khác.

Tiền trong phim được nhà sản xuất mua bằng... rất nhiều tiền thật

Công ty RJR bán ra cọc 100 tờ giấy bạc với giá khoảng 45-65 USD (khoảng 1-1,4 triệu đồng). Nếu bộ phim cần những tờ tiền sờn rách, bạc màu nhàu nhĩ... thì chi phí "gia công" tăng thêm 20 USD.

"Để làm tờ tiền nhìn có vẻ cũ thật sự rất khó, bạn không thể tưởng tượng hết đâu. Tất cả đều phải làm thủ công. Khoảng 20 nhân viên của chúng tôi ngồi lại với nhau để vò nhàu, vấy bẩn, châm tàn thuốc lá lên và những thứ tương tự", RJ nói.

Ai cũng biết tiền trên phim không phải thật nhưng bạn có thắc mắc nó được tạo ra như thế nào? - Ảnh 5.

Tiền đã được "làm cũ" thủ công (Ảnh: rjrprops.com)

Theo RJ, một trong đơn hàng lớn nhất mà ông nhận được đến từ Netflix để chế tác series phim "Ozark". Trong phim có phân cảnh diễn viên ngồi trước "bức tường đô la" - hóa ra đó không phải công nghệ xử lý trên máy tính mà là những tờ tiền phim được chất chồng lên nhau!

RJ không tiết lộ giá trị của "bức tường đô la" ấy nhưng ước tính phải lên tới hàng chục ngàn đô, tương đương hàng trăm triệu đồng (chỉ để dành cho phông nền quan trọng của bộ phim).

"Khi nhận được yêu cầu của đoàn làm phim Ozark, chúng tôi không biết mọi chuyện sẽ ra sao, nhưng cuối cùng cảnh tượng lên phim quá hoành tráng. Một khoảnh khắc gây ấn tượng mạnh với khán giả, và cực kì có ý nghĩa với công ty sản xuất tiền phim RJR của chúng tôi", ông Rich "RJ" Rappaport chốt lại.

Ai cũng biết tiền trên phim không phải thật nhưng bạn có thắc mắc nó được tạo ra như thế nào? - Ảnh 6.

Một cảnh trong phim "Ozark", phía sau là bức tường đô la (Ảnh: Netflix)

(Theo CNN)