Chắc hẳn đa số chúng ta đều đã từng nghe hoặc biết đến câu chuyện cổ tích "Alice ở xứ sở thần tiên" từ khi còn nhỏ. Dù được lấy ý tưởng từ một câu chuyện cổ tích thần tiên nhưng thế giới trong bộ manga lại mang lại nỗi ám ảnh và chết chóc như địa ngục. Alice in Borderland được sáng tác bởi tác giả Aso Haro, ra mắt từ năm 2010 và kết thúc vào năm 2016 trên tạp chí Shounen Sunday Super. Mặc dù đã kết thúc, nhưng bộ manga này đã để lại dư âm và ấn tượng tốt, và được độc giả đánh giá cao về chất lượng.
Câu chuyện mở đầu vào một ngày nọ khi nhân vật chính Arisu (cách đọc của Alice trong tiếng Nhật) cùng hai cậu bạn thân là Chouta và Karube, nhìn thấy pháo hoa nở rộ trên bầu trời lúc 4 giờ sáng. Sau khi tỉnh lại, cả ba phát hiện mình đã có mặt ở Tokyo bị bỏ hoang từ nửa năm đến một năm trở về trước. Cho đến khi tham gia vào trò chơi đầu tiên trong thế giới không lối thoát, cả ba mới ý thức được sự đáng sợ của những trò chơi được tổ chức vào mỗi buổi tối để lấy "visa", tức thời gian để tồn tại trong thế giới nọ nếu không muốn chết. Từ đó, chuyến phiêu lưu trong xứ sở chết chóc chính thức bắt đầu.
Arisu Ryouhei là một học sinh trung học với thành tích học tập dở tệ và luôn bị so sánh với cậu em trai hoàn hảo của mình. Lúc mới đến thế giới không lối thoát, Arisu vui mừng vì đã thoát khỏi cái nơi tệ hại mình đang sống. Nhưng sau khi trải qua những trò chơi sinh tử và sự mất mát to lớn, Arisu dần trưởng thành và chấp nhận dấn thân vào cuộc sinh tồn khốc liệt và tàn nhẫn này để tìm cách quay về thế giới thật.
Nếu như mỗi một trò chơi có độ khó được biểu hiện bằng một lá bài trong bộ bài tây thì mỗi một nhân vật trong câu chuyện chính là đại diện cho một kiểu người trong xã hội. Từ những tên yakuza như Thợ Mũ và Aguni, đến những cô cậu học sinh như Arisu, Usagi và thậm chí là những người có học vấn và địa vị xã hội như An khi đã đặt chân vào borderland đều phải đấu tranh sinh tồn như bao người khác. Tác giả đã kỳ công xây dựng dàn nhân vật kỳ công khi phía sau mỗi người đều có câu chuyện riêng gây ấn tượng sâu sắc.
Đối với manga thể loại sinh tồn thì yếu tố sinh tồn đương nhiên chiếm một lượng lớn trong nội dung tác phẩm. Nhưng Alice in borderland còn kết hợp nhịp nhàng các yếu tố khác như tâm lý, hành động và kinh dị song song với sinh tồn. Khi hoàng hôn buông xuống, những trò chơi bắt đầu cũng là lúc người đọc bị cuốn vào sự bí ẩn và bất ngờ bởi nội dung và độ khó của trò chơi. Với bích là trò chơi thể lực, rô là trò chơi vận dụng trí óc, chuồng cân bằng cả hai yếu tố trên và cơ đánh vào tâm lý và đạo đức cùa người chơi, sự hồi hộp và tò mò được đẩy lên đỉnh điểm mỗi khi Arisu bước vào một trò chơi mới.
Bên cạnh đó, tính thực tế của câu chuyện đã tạo nên sự khác biệt lớn giữa Alice in borderland và những manga sinh tồn khác. Những người bạn tưởng như sẽ đồng hành cùng Arisu thì lại bỏ mạng trong một trò chơi tàn nhẫn nhất câu chuyện. Bản chất con người được bộc lộ rõ ràng nhất qua những khoảnh khắc cái chết cận kề, khi mà con người trở nên ích kỷ và sẵn sàng hy sinh người khác để cứu lấy bản thân. Alice in borderland không hề thiếu những tình tiết "dark, deep" như thế được thể hiện xuyên suốt bộ truyện.
Nét vẽ được đánh giá là phù hợp với thể loại sinh tồn tâm lý kinh dị khi những phân đoạn máu me và bạo lực tạo được điểm nhấn rõ nét. Những cảm xúc của nhân vật được truyền tải tới người đọc một cách trọn vẹn và chân thực, nhất là những cảnh gây xúc động mạnh như những người bạn thân nhất của Arisu hy sinh bản thân để cứu Arisu trong trò chơi 7 cơ. Tuy nhiên, một điểm trừ nhỏ là câu chuyện lại thường xuyên bị gián đoạn khi sự hồi hộp và lôi cuốn đang lên đến cao trào thì lại bị cắt ngang bởi những ngoại truyện không liên quan đến mạch truyện chính.
Đặc biệt, Alice in borderland đã kết thúc nên sẽ càng thú vị hơn khi được đọc từ đầu đến cuối mà không lo phải chờ đợi chương mới và bỏ dở câu chuyện bởi vì độ dài của bộ truyện khá hợp lý. Tóm lại, Alice in borderland là một manga xứng đáng để các độc giả bỏ thời gian để đọc và nghiền ngẫm câu chuyện xuất sắc này.