Ngay sau khi Bloomberg Businessweek báo cáo về việc Trung Quốc bí mật cài đặt những con chip gián điệp vào máy chủ sản xuất bởi Supermicro, mà vẫn đang được Apple và Amazon sử dụng, các công ty này đã có phản hồi chính thức.
Amazon, Apple và Supermicro đều đồng loạt phủ nhận báo cáo của Bloomberg. Thậm chí Apple còn nói thẳng rằng câu chuyện mà Bloomberg đưa ra hoàn toàn là bịa đặt, không đúng sự thật và không có căn cứ.
Dưới đây là nguyên văn email phản hồi của Apple:
"Trong khoảng thời gian một năm vừa qua, Bloomberg đã liên hệ với chúng tôi rất nhiều lần với cùng một tuyên bố, đó là một lỗ hổng bảo mật được cho là đang tồn tại trong trung tâm dữ liệu của Apple. Mỗi lần như vậy, chúng tôi đều tiến hành những cuộc điều tra nội bộ nghiêm ngặt dựa trên yêu cầu của Bloomberg. Tuy nhiên chưa có lần nào chúng tôi tìm thấy bằng chứng của một lỗ hổng bảo mật như báo cáo của Bloomberg. Chúng tôi cũng liên tục gửi báo cáo phản hồi cho Bloomberg, bác bỏ mọi thứ họ đưa ra liên quan đến Apple.
Về câu chuyện vừa qua, chúng ta có thể làm rõ ràng rằng: Apple chưa bao giờ tìm thấy những con chip gián điệp, các thay đổi phần cứng hay lỗ hổng bảo mật cố ý được tạo ra trong bất kỳ máy chủ nào. Apple cũng chưa từng liên lạc với FBI hay bất kỳ cơ quan nào khác về sự việc tương tự. Cũng như chưa từng có một cuộc điều tra nào từ phía Chính phủ Mỹ được diễn ra.
Để đáp lại báo cáo mới nhất của Bloomberg, chúng tôi muốn trả lời rõ ràng như sau: Trung tâm dữ liệu của Siri và Topsy chưa bao giờ chia sẻ các máy chủ với nhau; Siri chưa bao giờ được triển khai trên các máy chủ mà Supermicro bán cho chúng tôi; Dữ liệu của Topsy được lưu trữ trong 2.000 máy chủ Supermicro không phải 7.000; Không có máy chủ nào trong số đó từng được phát hiện có chip gián điệp.
Trên thực tế, trước khi các máy chủ được đưa về hoạt động tại Apple, chúng luôn được kiểm tra kỹ lưỡng các lỗ hổng bảo mật và được cập nhật những phần mềm bảo mật mới nhất. Chúng tôi không phát hiện bất kỳ vấn đề gì trong các máy chủ được đặt mua từ Supermicro.
Chúng tôi vô cùng thất vọng, vì trong quá trình trao đổi với phóng viên Bloomberg, họ đã không cởi mở và cũng không thừa nhận khả năng rằng nguồn tin của họ có thể sai hoặc không chính xác. Có lẽ họ đã nhầm lẫn với một câu chuyện từ năm 2016, khi chúng tôi phát hiện một bo mạch của máy chủ Supermico có lỗ hổng bảo mật. Tuy nhiên không có bất kỳ thiệt hại nào xảy ra, bởi vấn đề đã được giải quyết ngay từ khâu kiểm tra đầu tiên.
Chúng tôi muốn các khách hàng biết rằng, báo cáo của Bloomberg về Apple là hoàn toàn không chính xác. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn muốn các khách hàng biết rằng mọi cáo buộc và lo ngại đều đã được Apple kiểm tra một cách cẩn thận, chứ không hề bỏ qua.
Nếu như có một sự việc như báo cáo của Bloomberg, chắc chắn rằng Apple sẽ thông báo điều đó và hợp tác với các cơ quan pháp luật để điều tra. Chúng tôi biết rằng an ninh mạng là một cuộc chiến vô tận, đó là lý do vì sao chúng tôi liên tục củng cố hệ thống của mình để chống lại những hacker ngày càng nguy hiểm hơn".
Như vậy, theo phản hồi của Apple thì đây không phải lần đầu tiên Bloomberg báo cáo về việc máy chủ của Apple có chứa lỗ hổng bảo mật. Và tất cả các lần trước đây đều được điều tra lại, nhưng không phát hiện bất kỳ điều gì bất thường.
Bloomberg cũng hoàn toàn phớt lờ khả năng nguồn tin của họ có thể không chính xác và tiếp tục cáo buộc Apple. Một dẫn chứng được dẫn từ sự cố năm 2016 của Apple cũng không rõ ràng, khi chỉ có duy nhất một máy chủ do Supermicro sản xuất bị phát hiện lỗ hổng bảo mật.
Apple cũng khẳng định rằng tất cả những thông tin mà Bloomberg đưa ra là hoàn toàn sai sự thật. Thậm chí Apple cũng không liên hệ với FBI hoặc Chính phủ Mỹ, để tiến hành bất kỳ một cuộc điều tra nào như báo cáo của Bloomberg cho biết.
Tham khảo: Bloomberg