Bạn thấy những quả cầu này có màu sắc khác hẳn nhau? Thật ra chúng đều có cùng một màu

Nếu sử dụng Photoshop để loại bỏ các đường sọc, ảo ảnh đột nhiên sẽ biến mất.

Thoạt nhìn những quả bóng hình cầu bay lơ lửng này, bạn sẽ tưởng chúng có màu đỏ, tím hoặc xanh lá cây. Nhưng trên thực tế, cả 12 quả cầu trong ảnh đều có cùng một màu be nhạt nhẽo.

Theo David Novick, tác giả đã tạo ra bức ảnh đồng thời là một giáo sư giáo dục kỹ thuật và lãnh đạo tại Đại học Texas ở El Paso: Khi bạn càng thu nhỏ bức ảnh lại, hiệu ứng mà nó tạo ra sẽ càng rõ. Ngược lại, phóng to bức ảnh sẽ làm ảo giác màu sắc biến mất.

Nhưng tại sao não bộ của chúng ta lại có thể nhận diện sai màu sắc thực của những quả cầu này?

Bạn thấy những quả cầu này có màu sắc khác hẳn nhau? Thật ra chúng đều có cùng một màu - Ảnh 1.

Về bản chất, ảo giác này hoạt động vì "khả năng nhận diện hình dạng của chúng ta tốt hơn khả năng nhận diện màu sắc", Novick cho biết.

"Điều đó có nghĩa là chúng ta cảm nhận các đường viền với một sự rõ nét hơn còn màu sắc thì bị làm cho mờ nhạt. Vì vậy, mặc dù bạn thấy tất cả đây đều là những hình tròn, nhưng màu sắc của chúng thì lại bị sai lệch khi bị đồng hóa với các khoảng không gian liền kề".

Cụ thể, màu sắc của các quả cầu đã được "lái" về phía màu của các sọc ngang cắt qua chúng. Trong hình ảnh cụ thể được đặt tên là "Confetti Spheres 5" này, một mảng các sọc xanh lục, đỏ và xanh lam cắt ngang các hình cầu đã làm sai lệch nhận thức của chúng ta về màu sắc thực tế của chúng.

Các quả bóng sẽ hiện ra với một màu be giống hệt nhau:

Bạn thấy những quả cầu này có màu sắc khác hẳn nhau? Thật ra chúng đều có cùng một màu - Ảnh 2.

Và ngay cả khi bạn tạo ra một phiên bản đen trắng của nó, ảo ảnh màu sắc vẫn có thể đánh lừa não bộ con người một cách đơn giản. Trong một báo cáo khoa học công bố trên tạp chí Colour: Design & Creativity, các nhà nghiên cứu ảo ảnh thị giác đã phân tích một loạt các ví dụ về ảo giác màu sắc liên quan đến sắc độ đen-trắng hay thang đậm nhạt của màu xám.

Ví dụ: khi bạn đặt một hình chữ nhật màu xám trên một đường sọc màu trắng, nó sẽ trông nhạt hơn so với khi được đặt trên một đường sọc màu đen. Ở đây, các đường sọc tiếp tục lái nhận thức màu sắc của bạn theo hướng gần hơn với màu sắc của chúng, giống hệt như cách các đường viền màu làm với quả cầu màu be.

Bạn thấy những quả cầu này có màu sắc khác hẳn nhau? Thật ra chúng đều có cùng một màu - Ảnh 3.

Hiệu ứng ảo giác này đã từng được phát hiện từ thập niên 1960, bởi nhà tâm lý học Michael White. Đến những năm 1970, Hans Munker, một nhà tâm lý học khác đã chứng minh một hiệu ứng tương tự xảy ra với các sọc màu:

Bạn thấy những quả cầu này có màu sắc khác hẳn nhau? Thật ra chúng đều có cùng một màu - Ảnh 4.

Nhưng rốt cuộc điều gì đã xảy ra trong não bộ khiến trung tâm xử lý thị giác của chúng ta nhận diện sai màu sắc của chúng?

Các nhà khoa học có một số giả thuyết khá mâu thuẫn: Một số người cho rằng ảo giác xuất hiện sớm trong quá trình xử lý hình ảnh, ngay từ những tia sáng đầu tiên chiếu vào võng mạc. Ngược lại, một số nhà khoa học cho rằng hiệu ứng chỉ diễn ra trong quá trình não bộ xử lý dữ liệu.

Nhưng nhìn chung, cả hai giả thuyết đều cho rằng màu sắc của một thực thể có thể bị "đồng hóa" với màu sắc của môi trường xung quanh chúng. Nếu môi trường xung quanh có màu sáng hơn, màu sắc sẽ được não bộ "đọc" ra nhạt hơn và ngược lại.

Bạn thấy những quả cầu này có màu sắc khác hẳn nhau? Thật ra chúng đều có cùng một màu - Ảnh 5.

Novick thì cho biết: "Dù nguyên nhân chính xác của ảo ảnh là gì, việc chơi với chúng vẫn rất thật thú vị". Bằng một số thực nghiệm, Novick đã phát hiện ra một quy luật để tạo ra các ảo giác màu sắc hiệu quả hơn.

Ví dụ, anh nhận thấy nếu màu nền và các sọc tiền cảnh có màu bổ sung với nhau (hai màu đối xứng trên bánh xe màu như đỏ và xanh lá cây), thì chúng sẽ triệt tiêu nhau, do đó, hình cầu cuối cùng sẽ trông có màu trắng hoặc xám.

Chọn các cặp màu khác nhau trên bánh xe màu để tô cho các sọc chạy ngang có thể giúp Novick lái được màu của các quả cầu màu be trong não bộ của bạn theo ý muốn của anh ấy.

Bạn thấy những quả cầu này có màu sắc khác hẳn nhau? Thật ra chúng đều có cùng một màu - Ảnh 6.

Ngoài ra, anh và cộng sự của mình Akiyoshi Kitaoka, giáo sư tâm lý học tại Đại học Ritsumeikan ở Kyoto, đang cố gắng 3D hóa tất cả các ảo giác màu sắc mà Munker-White đã phát hiện trong thập niên 1960-1970. Họ cũng tạo ra một phiên bản "Confetti Spheres 5" phẳng 2D để so với hiệu ứng của bản gốc 3D ban đầu:

Novick nói: "Ảo giáo có vẻ dễ nhận biết hơn, hoặc sống động hơn trên các khối cầu so với đĩa phẳng. Và chúng tôi chưa biết tại sao. Tại thời điểm này, tôi nghĩ là cũng chưa ai giải thích được".

Tham khảo Livescience