Thông thường, các bóng đèn sợi đốt chỉ có tuổi thọ từ 1.000 đến 2.000 giờ. Ngay cả loại bóng đèn LED, vốn bền hơn nhiều so với bóng đèn sợi đốt cũng chỉ có tuổi thọ từ 25.000 giờ cho đến 50.000 giờ.
Nhưng lơ lửng giữa trần nhà của trạm cứu hỏa Livermore ở California là bóng đèn có tuổi thọ dài nhất thế giới hiện nay với tuổi đời đã hơn 120 năm. Điều đặc biệt hơn cả là tuổi thọ đáng kinh ngạc này lại thuộc về một bóng đèn sợi đốt, thay vì một loại công nghệ đặc biệt nào đó.
Dù tồn tại lâu như vậy, nhưng tuổi thọ đáng kể của nó chỉ được chú ý đến vào năm 1972 khi một nhân viên của trạm cứu hỏa nói với tờ báo địa phương về bóng đèn tròn đã bật liên tục từ nhiều năm nay mà không ai biết về nguồn gốc của nó. Mike Dunstan, một phóng viên trẻ của tờ Tri-Valley Herald đã bắt đầu điều tra và cũng phải kinh ngạc vì phát hiện của mình.
Hóa ra, bóng đèn này đã thắp sáng gần như liên tục trong suốt cả thế kỷ nay và chỉ tắt một vài lần trong thời gian ngắn – khi nó bị chuyển đi nơi khác vào năm 1903, tắt khoảng một tuần trong năm 1937 và năm 1976 khi nó dịch chuyển lần nữa. Trong những năm gần đây, nó cũng từng tắt một vài lần khác khi nguồn điện dành riêng cho nó gặp trục trặc trong thời gian ngắn.
Kể từ đó, bóng đèn đặc biệt bắt đầu thu hút sự chú ý của mọi người. Tổ chức Kỷ lục Thế giới Guinness cũng công nhận bóng đèn tròn 30w này "bóng đèn tròn sáng lâu nhất thế giới". Bóng đèn này cũng được nhắc tới trên hàng loạt trang báo và chương trình truyền hình lớn.
Năm 1976, khi được chuyển tới chỗ ở mới Trạm số 6 của Sở cứu hỏa Livermore, và một đám đông cảnh sát cùng nhân viên cứu hỏa đã háo hức chờ xem bóng đèn này bật sáng trở lại. Đồn phó sở cứu hỏa, Tom Brandall nhớ lại: "Nhân viên điện lực thành phố lắp bóng đèn vào chỗ và nối điện. Trong khoảng 22-23 phút, bóng đèn không hề sáng lại. Đám đông nín thở lo lắng. Rồi nhân viên điện lực cầm lấy công tắc và lắc mạnh: nó bật sáng lại."
Kể từ đó, bóng đèn này còn được đặt dưới sự giám sát liên tục của camera để đảm bảo nó luôn sáng mọi lúc. Thậm chí, trong những năm tiếp theo, một chương trình trực tiếp "BulbCam" cũng được phát sóng để mọi người cùng theo dõi hoạt động của nó. Trên Facebook, có đến hơn 9.000 nhóm liên quan đến bóng đèn này.
Giờ đây luôn có camera bên cạnh bóng đèn Shelby để đảm bảo nó hoạt động liên tục
Dù có tuổi thọ dài như vậy, bóng đèn này chưa bao giờ được đánh giá cao về độ sáng – thời gian đầu, độ sáng của nó tương đương các bóng 60W còn giờ đây, nó chỉ tương đương với các bóng 4W mà thôi. Nhưng thiếu sót này cũng được bù đắp bằng thiết kế của nó.
Nhà thiết kế bậc thầy Adolphe A. Chaillet đã thiết kế nên bóng đèn này và nó được sản xuất bởi công ty của ông, Shelby Electric Company. Điểm đặc biệt của bóng đèn này là nó dùng sợi Carbon – giúp bóng đèn có tuổi thọ lâu hơn và tỏa ít nhiệt hơn bóng đèn dùng Tungsten của Edison. Nhưng điều đó cũng không thể lý giải nổi tuổi thọ đáng kinh ngạc của nó.
Nhiều nhóm nghiên cứu, từ chương trình Mythbusters cho đến NPR, đều tìm cách lý giải tuổi thọ đáng kinh ngạc của bóng đèn sợi đốt này. Thế nhưng cho đến giờ, tất cả những nỗ lực này vẫn chỉ mang lại một câu trả lời – sự bí ẩn.
Năm 2007, giáo sư vật lý Debora M. Katz đã tìm mua được một bóng đèn tròn của hãng Shelby, cùng loại với bóng đèn Thế kỷ trên và phát hiện ra rằng, sợi tóc của bóng đèn loại này dầy gấp 8 lần so với bóng đèn sợi đốt hiện đại.
"Tôi so sánh với chiều rộng của sợi dây tóc bóng đèn hiện đại. Hóa ra sợi dây tóc bóng đèn hiện đại là một cuộn dây, với đường kính khoảng 0,08mm, được tạo thành từ sợi dây có độ dày 0,01mm. Tôi không biết điều đó cho đến khi nhìn qua kính hiển vi. Chiều rộng sợi dây tóc trong bóng đèn Shelby 100 năm tuổi tương đương với chiều rộng của cuộn dây trong bóng đèn hiện đại, 0,08mm."
Theo Katz, sợi dây tóc dày hơn có thể là nguyên nhân khiến tuổi thọ của bóng đèn này dài đến như vậy. Ngoài ra Katz cũng cho rằng, tuổi thọ đáng kinh ngạc của nó một phần đến từ việc nó hoạt động liên tục thay vì bật tắt hàng ngày – một quá trình khiến nó nhanh hỏng hơn (vì sợi dây tóc phải làm nóng lại từ đầu).
Nhưng sau cùng, Katz và các sinh viên của mình vẫn không thể kết luận được chính xác điều gì giúp mang lại tuổi thọ này. Justin Felgar, một sinh viên của Katz cho rằng, để tìm hiểu được nó, cần phải "xé nhỏ" nó ra và cho chạy qua máy gia tốc hạt của Học viện Hải quân Mỹ - một quá trình tốn kém và cho đến giờ vẫn không thể thực hiện được – chừng nào bóng đèn sợi đốt này còn sáng.
Tổng hợp