Ẩn mình trên dãy Himalayas trong lãnh thổ của Ấn Độ, có một hồ nước nhỏ bé được biết đến với cái tên rùng rợn: Skeleton Lake - Hồ Xương.
Tên thật của nó là hồ Roopkund, nhưng mọi người đã nhanh chóng quên đi, bởi cái hồ bây giờ đã được bao quanh bởi những bộ xương người và thi thể đông lạnh – một số trong đó vẫn còn cả tóc và thịt. Những người leo núi dũng cảm nhất đã dựng lên một cái miếu nhỏ ở đó, từ chính những bộ hài cốt vương vãi.
Vào một ngày hè hiếm hoi, khi băng trong hồ tan chảy, nhiều bộ xương rũ rượi sẽ nổi lên khỏi mặt nước. Các nhà nghiên cứu đã xác định có tới 800 bộ hài cốt được chôn cất ở Hồ Xương.
Bí ẩn hồ nước chứa đầy xương trên dãy Himalayas
"Đó là một không gian nhỏ, khép kín còn xương vương vãi khắp mọi nơi", nhà nhân chủng học William Sax cho biết. Năm 1978, chính ông đã đến thăm cái hồ này. "Cảm giác ở đó rất bối rối và sợ hãi", Sax nói.
Các nhà nhân chủng học như ông quan tâm đến khu vực này, bởi không ai biết điều gì đã giết những người bị chôn vùi ở đó. Một nhân viên kiểm lâm tên là Hari Kishan Madhwal đã phát hiện ra Hồ Xương vào năm 1942. Nhưng suốt hơn 75 năm sau, các nhà nghiên cứu vẫn không thể xác định chính xác làm thế nào hoặc tại sao những người này bị giết chết.
Phải cho đến gần đây, một nghiên cứu DNA của 38 bộ xương mới tiết lộ những bí ẩn đầu tiên ẩn giấu trong đó. Theo kết quả được đăng trên tạp chí Nature Communications, những hài cốt ở Hồ Xương thuộc ba nhóm người khác biệt về mặt di truyền. Họ bị giết chết trong ít nhất hai sự kiện cách nhau tới 1.000 năm.
Khi băng mùa đông tan chảy, nhiều bộ xương rũ rượi sẽ nổi lên khỏi mặt nước.
"Chúng tôi hy vọng phân tích này sẽ giúp giải mã bí ẩn của hồ Roopkund, bằng cách xác định tổ tiên của những bộ xương này", Eadaoin Harney, tác giả chính của nghiên cứu chia sẻ. "Trong khi cố gắng hoàn thành mục tiêu đó, tôi nghĩ chúng tôi lại thấy khu vực này thậm chí còn bí ẩn hơn những gì chúng ta từng nghĩ".
Nếu bạn muốn đến thăm hồ Roopkund, bài viết này sẽ cho bạn những hình dung đầu tiên về nó. Cùng với đó là một số giả thuyết tốt nhất của các nhà khoa học về những gì đã xảy ra ở đây.
Đầu tiên, nói về nghiên cứu của Harney, cô và nhóm của mình đã khoan vào xương đùi và xương cánh tay của hàng chục bộ xương thu thập từ hồ Roopkund. Mục đích là trích xuất DNA có trong đó để tìm nguồn gốc của hài cốt.
Họ phát hiện ra, trong số 38 bộ xương được kiểm tra, có 23 người có chung tổ tiên với những người Ấn Độ ngày nay. Họ chết trong một số thời điểm khác nhau, giữa khoảng thế kỷ VII và X.
Trong khi đó, 14 bộ xương khác có tổ tiên chung với người Hy Lạp và những người đến từ các đảo Địa Trung Hải. Chỉ có một bộ xương thuộc về nhóm có tổ tiên chung với người Đông Nam Á.
Cả 15 người này được xác định đã chết trong khoảng giữa thế kỷ XVII và XX, và nhiều khả năng là họ cùng chết một lúc.
Khám phá này đã thay đổi sự hiểu biết của các nhà khoa học về Hồ Xương, vì các nghiên cứu trước đây cho rằng hầu hết các bộ xương ở đây đều có niên đại từ thế kỷ thứ tám hoặc lâu hơn thế.
Sax cho biết dữ liệu mới về thời điểm tử vong của nhóm người thứ hai thực sự đã gây choáng váng. "Thời điểm của sự kiện gần đây nhất – xảy ra chỉ khoảng vài trăm năm trước – khiến nó trở thành một câu đố thực sự thú vị", ông nói.
Tiến hành nghiên cứu ở hồ Roopkund không phải là chuyện dễ dàng gì. Nó tọa lạc ở một vị trí cao hơn 5.000 mét so với mực nước biển.
Phong cảnh thiên nhiên xung quanh đó rất đẹp, Sax nói. Cái hồ bây giờ nằm trong khu Công viên Quốc gia Nada Devi của Ấn Độ.
Tuy nhiên, Sax cho biết địa điểm này không có gì đặc biệt để trở thành lý do cho bất cứ ai lên đó. Đây chính là bí ẩn đằng sau sự xuất hiện của những bộ xương tại đây.
Bây giờ, bởi sự hiện diện của những bộ xương cái hồ mới biến thành một địa điểm thu hút khách du lịch. Tới đây, "bạn không thể bước một bước mà không giẫm lên xương", Sax nói.
Một số du khách đã gom xương lại và xếp chúng thành đống. Nhưng Harney nói hành động này đã làm xáo trộn khu vực.
Điều này khiến các phân tích khảo cổ tiêu chuẩn khó có thể được thực hiện, cô nói. Một số khách du lịch thậm chí còn nhặt xương về làm quà lưu niệm.
Vô số giả thuyết đã được đưa ra nhằm giải thích cái chết của những người ở đây, từ một cơn mưa đá cho đến một vụ tự tử hàng loạt.
Nhưng Harney nghĩ rằng đoàn người đầu tiên bị thiệt mạng ở đây đã cùng chết trong một chuyến hành hương.
"Cái hồ nằm gần một tuyến đường hành hương ngày nay vẫn đi qua khu vực", các tác giả nghiên cứu viết.
Một bài dân ca ở đây đã mô tả một chuyến hành hương lớn đến đến thờ của một nữ thần núi, được gọi là Nanda Devi. Cái đền thì ở gần hồ xương này.
Các tác giả nghiên cứu cho biết bài hát nói về "một vị vua và hoàng hậu đi cùng đoàn tùy tùng gồm nhiều người. Do một hành động ăn mừng không phù hợp, họ đã bị đánh gục bởi cơn thịnh nộ của Nanda Devi". Lời bài hát nói rằng nữ thần đã giáng xuống họ những quả bóng "cứng như sắt".
Theo các tác giả nghiên cứu, những quả bóng sắt đó có thể đã rơi xuống trong một cơn bão dữ dội.
Harney cho biết các vết gãy trên một số bộ xương phù hợp với những chấn thương do đá hoặc mưa đá gây ra.
Sax cũng nhớ lại rằng ông đã thấy một số hộp sọ gần hồ bị nứt, dường như là do tác động cũng những vật thể cùn.
Mặc dù vậy, Harney cũng phải ngần ngại khi suy đoán về nguyên nhân tử vong của những người này. Bởi các thông tin từ phân tích di truyền mà nhóm cô có được không giúp xác nhận điều đó.
Vì các bộ xương thuộc về những khoảng thời gian khác nhau, có khả năng họ đã chết bởi những nguyên nhân khác nhau, cô nói.
Trong phân tích của mình, nhóm Harney viết rằng nghiên cứu chỉ bác bỏ những giả thuyết trước đây cho rằng toàn bộ hài cốt ở Roopkund có nguồn gốc từ một cuộc thảm sát duy nhất.
Thêm vào đó, phân tích của Harney cũng đã đưa ra một số giả thuyết loại trừ về những nguyên nhân giết chết những người này.
Nhóm người này có lẽ đã không chết trong một đại dịch, như những gì một bộ phim tài liệu của National Geographic nói vào năm 2004. Bởi phân tích DNA không tìm thấy bằng chứng nhiễm khuẩn trên bất kỳ mẫu xương nào.
Chiến tranh cũng không phải nguyên nhân, bởi trong các bộ xương được phân tích, Harney đã tìm thấy 23 nam giới và 15 người phụ nữ, bao gồm cả trẻ em và người già. Cũng không có vũ khí nào được tìm thấy gần đó.
Kathleen Morrison, nhà nhân chủng học tại Đại học Pennsylvania đã đưa ra một giả thuyết khác: "Khi bạn thấy một nơi có nhiều xương người, thường thì đó là một nghĩa địa".
"Tôi nghi ngờ rằng họ đã được tập hợp lại đó, chính người dân địa phương đã ném những thi thể xuống hồ", Morrison cho biết thêm, lưu ý rằng có khả năng những người này không hề chết tại hồ mà thi thể họ được mang đến.
Nhưng Harney nghĩ rằng khu vực này quá xa để có thể phục vụ như một nghĩa địa. "Tôi không thấy bất kỳ bằng chứng nào hỗ trợ giả thuyết này", cô nói.
Hơn nữa, nhóm của Harney đã phân tích DNA của những người dân thổ địa sống gần hồ Roopkund ngày nay. Họ không hề có tương đồng về mặt di truyền với những bộ xương này.
Điều đó cho thấy khả năng người dân địa phương sử dụng khu vực này làm nghĩa địa là không hề có cơ sở.
Harney cho biết sẽ cần thêm các nghiên cứu mới về những bộ xương và thi thể này để tìm ra nguyên nhân cái chết của họ.
"Tôi nghĩ bí ẩn này thực sự được chia thành hai phần", Harney nói. "Đầu tiên là những người này là ai và tại sao họ đến hồ Roopkund?".
Để trả lời câu hỏi đó, Harney nghĩ các nhà nghiên cứu sẽ cần tìm lại các bút tích trong lịch sử ghi chép về một hành trình nào đó đi qua Roopkund.
"Câu hỏi thứ hai mà tôi muốn trả lời, đó là những người này đã chết như thế nào", Harney nói. "Có một lượng lớn hài cốt ở Roopkund chưa từng được phân tích. Vì vậy, có thể tương lai chúng tôi sẽ trả lời được câu hỏi này một cách chính xác hơn".
Tham khảo Businessinsider