Các nhà khoa học đang phát triển khuyên tai, nhẫn và đồng hồ tránh thai

Một lựa chọn tránh thai mới, không xâm lấn và không gây đau đớn.

Hiện tại khi nói đến chuyện tránh thai, gánh nặng này gần như được đặt hoàn toàn lên vai những người phụ nữ. Họ phải đặt vòng, uống thuốc tránh thai hằng ngày hoặc thuốc tránh thai khẩn cấp. 

Những người đàn ông hiếm khi chịu thắt ống dẫn tinh, và hiện tại không có một loại thuốc nào giúp họ chia sẻ nhiệm vụ tránh thai với phụ nữ.

Đó là lý do tại sao các nhà khoa học đến từ Viện Công nghệ Georgia muốn tạo ra một phương pháp tránh thai nhẹ nhàng và tự nhiên hơn. Họ đang phát triển những đồ trang sức mà khi đeo vào, những người phụ nữ sẽ tránh được khả năng mang thai ngoài ý muốn.

Rất có thể trong tương lai, bạn sẽ thấy trên thị trường các sản phẩm như khuyên tai, vòng cổ, nhẫn hoặc đồng hồ có chức năng tránh thai.

Các nhà khoa học đang phát triển khuyên tai, nhẫn và đồng hồ tránh thai - Ảnh 1.

Các nhà khoa học đang thử nghiệm nhiều trang sức có tác dụng tránh thai

Công bố nghiên cứu của mình trên Tạp chí Controlled Release, các nhà khoa học gọi những gì họ đang phát triển là trang sức dược phẩm. Chúng bao gồm bông tai, nhẫn, vòng cổ và đồng hồ đeo tay được trang bị một miếng dán xuyên da. Miếng dán này phát hành hooc-môn tránh thai levonorgestrel vào máu những người phụ nữ đeo nó.

Levonorgestrel là thành phần của các loại thuốc tránh thai khẩn cấp, được sử dụng ngay sau khi quan hệ tình dục hoặc trong trường hợp các biện pháp tránh thai khác thất bại. Nó cũng có trong vòng tránh thai của nhiều hãng như Mirena, Kyleena và Skyla.

"Chúng tôi hy vọng việc sử dụng levonorgestrel qua da, từ một miếng dán có trên bông tai, sẽ cho hiệu quả tương đương với việc truyền nó từ vòng tránh thai, khi chúng tôi duy trì được nồng độ thuốc chính xác trong máu", giáo sư Mark Prausnitz đến từ Trường Kỹ thuật Hóa học và Sinh học phân tử tại Viện Công nghệ Georgia cho biết.

Hiện tại, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thử nghiệm những chiếc khuyên tai tránh thai trên người, nhưng họ đã thử nghiệm chúng trên chuột. Những con chuột được đeo khuyên tránh thai trong 16 giờ và tháo ra trong 8 giờ để mô phỏng lại thời gian ngủ.

"Các thí nghiệm ban đầu cung cấp bằng chứng về nguyên tắc cho thấy chúng tôi có thể làm điều đó trên chuột", giáo sư Prausnitz nói. Nồng độ hooc-môn trong máu những con chuột được giữ ở mức cao, khiến chúng tránh thai được ngay cả khi chiếc khuyên đã được tháo ra trong 8 tiếng.

Nhóm nghiên cứu sẽ cần phát triển thí nghiệm và tiến đến thử nghiệm trên người trong tương lai, để xem liệu phương pháp tiếp cận này có đạt tới sự thành công như phương pháp đặt vòng hay không.

Tại thời điểm hiện tại, trên thị trường cũng đã có một số miếng dán tránh thai, thứ mà phụ nữ có thể dán vào bụng, cánh tay, mông hoặc lưng để phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn. 

Những miến dán này có thể ở trên da họ một tuần mà không cần bóc ra. Nếu sử dụng 3 tuần với 3 miếng dán liên tiếp, tuần thứ 4 người phụ nữ sẽ không cần phải dán mà vẫn tránh được thai.

Hiệu quả của các miếng dán về mặt lý thuyết lên tới 99%. Thực tế giảm xuống 91% khi tính đến tỷ lệ sản phẩm lỗi.

Các nhà khoa học đang phát triển khuyên tai, nhẫn và đồng hồ tránh thai - Ảnh 2.

Đây là chiếc khuyên tai có tác dụng tránh thai

Bây giờ, nếu những miếng dán này có thể được biến thành những chiếc bông tai thì sao? Một số người phụ nữ có thể thấy nó khá vô hại. Đó chỉ là một lựa chọn tránh thai mới, không xâm lấn và không gây đau đớn mà thôi. Tốt mà!

Nhưng câu chuyện không đơn giản như vậy. Một số phụ nữ bắt đầu phàn nàn rằng họ đã có quá nhiều biện pháp tránh thai rồi. Tại sao các nhà khoa học không tập trung năng lực và tiền bạc vào việc phát triển thuốc tránh thai cho đàn ông?

Ngoài ra, những chiếc bông tai tránh thai cũng có thể đem lại một vài rắc rối. Sẽ ra sao nếu một người phát hiện một người phụ nữ đeo khuyên tránh thai? Họ có thể đánh giá cô ấy. Hoặc khi cô ấy đang đeo khuyên mà tháo nó ra, người bạn trai của cô ấy bắt đầu nghi ngờ.

Tất nhiên, những chiếc bông tai tránh thai không phải một ý tưởng xấu. Nhưng rõ ràng, đó là một sản phẩm mà các nhà khoa học cần cân nhắc thêm, trước khi mang chúng ra ngoài đời thực.

Tham khảo Gizmodo