Mặc dù ra mắt đã lâu và hiện đã ngừng chiếu tại các cụm rạp nhưng " Avengers : Endgame" vẫn luôn là một bom tấn đi vào lịch sử với độ nổi tiếng và doanh thu lớn nhất thế giới, vượt qua 2 tượng đài "Avatar" và "Titanic" một thời. Đặc biệt nhất, khung cảnh trận chiến tổng lực cuối phim chính là diễn biến mãn nhãn nhất dành cho khán giả, thậm chí nhiều người không khỏi sởn da gà khi chứng kiến những cao trào xuyên suốt thời gian đó.
Dĩ nhiên, gần như mọi bộ phim hiện nay đều sử dụng yếu tố công nghệ kỹ xảo hình ảnh (Visual Effects - VFX) để phục vụ mục đích biến cái không thể thành có thể, đổi trắng thay đen. Càng mang nội dung giả tưởng như các bộ phim siêu anh hùng, VFX càng được tận dụng tối đa và trau chuốt y như đời thật. Vậy sẽ thế nào nếu chúng ta được tự mình nhìn thấy cảnh cuối Endgame khi chưa áp dụng VFX, hay nói cách khác, phim trường ngoài đời khi đó trông thực sự như thế nào?
Câu trả lời đã bất ngờ được kênh YouTube "VFX Guru" đăng tải cách đây ít ngày, chắc chắn sẽ khiến bạn phải trầm trồ:
Sự thật phía sau cảnh cuối phim "Avengers: Endgame" mà không có kỹ xảo
Theo Wikipedia, hiệu ứng kỹ xảo hình ảnh VFX là tập hợp nhiều quy trình, trong đó hình ảnh được tạo ra hoặc biến đổi so với cảnh quay thật trên phim trường. Thời đại hiện nay, mọi thứ có thể được thực hiện toàn bộ qua máy tính và phần mềm công nghệ hoạt hoạ, chi phí thấp hơn nhiều so với việc tái dựng cảnh thô.
Thông thường, ê-kíp làm phim chỉ cần chọn địa điểm đủ rộng hợp lý cho cảnh quay cùng phục trang nhân vật là đủ thoả mãn yêu cầu cơ bản. Phần quan trọng nhất cần chú ý là các tấm phông nền màu xanh lá được đặt xung quanh, đóng vai trò là nền tảng để máy tính nhận biết và xử lý ảnh ảo.
Các tấm phông bạt xanh lá được đặt rất nhiều quanh phim trường.
Xung quanh anh toàn màu xanh nên thần thái sẽ là nhiệm vụ khó khăn mà diễn viên cần thể hiện và truyền tải được .
Tại sao lại là màu xanh lá? Máy tính cần phân biệt được diễn viên thật đang đóng và phần cảnh nền được chọn làm kỹ xảo, để hiệu ứng không "đè" lên các khung hình thừa thãi. Màu xanh lá sẽ là lựa chọn thích hợp nhất, thường do 2 lý do: (1) Rất ít đồ vật thường ngày và bối cảnh được chọn có màu xanh lá trùng hợp nên sẽ không lo bị nhầm hình; (2) Phông xanh sáng giúp các chủ thể diễn viên dễ nổi bật tương phản hơn khi lên hình thô sơ để máy tính dễ nhận biết.
Từ đó, các diễn viên vẫn cứ thể hiện thần thái đỉnh cao hết mình, trong khi mọi thứ sẽ được máy tính bóc tách rõ ràng và tỉ mỉ. Hơn nữa, cảnh ghép kỹ xảo cuối cùng sẽ còn qua nhiều khâu kiểm duyệt của các cấp chuyên gia khác nhau trước khi được tổng hợp, vì thế rất ít khi ta nhận ra được lỗi kỹ xảo trong các bộ phim ngày nay, hoạ chăng chỉ là rất nhỏ hoặc chớp nhoáng không kịp nhìn.
Thanos chỉ là anh chàng Brolin mặc đồ "nhồi bông", lại còn phải diễn với búa tàng hình mới khâm phục.