Tháng 1 năm 2012, một tin nhắn kì quặc được lan truyền trên Internet. Tuyên bố mục đích là để tìm ra "những cá nhân có trí thông minh cao", câu đố Cicada 3301 thách thức tất cả cộng đồng mạng tìm được thông điệp bí ẩn đằng sau những hình ảnh mà tổ chức này đăng tải. Vậy Cicada 3301 là gì? Điều gì xảy đến đối với những người đã giải được câu đố này? Hãy cùng tìm hiểu về câu chuyện của một người từng giải được nó.
Lần đầu tiên xuất hiện vào ngày 4 tháng 1 năm 2012, Cicada 3301 đăng tải một hình ảnh nền đen chữ trắng với thông điệp: "Xin chào. Chúng tôi đang tìm kiếm những cá nhân có trí thông minh cao. Để tìm ra họ, chúng tôi đã tạo ra một bài test. Có một thông điệp ẩn giấu trong hình ảnh này. Hãy tìm nó và nó sẽ dẫn đường bạn tới chúng tôi. Chúng tôi rất mong được gặp một số ít người có thể vượt qua tất cả chướng ngại. Chúc may mắn".
Thông điệp này được kí tên "3301". Kể từ thời điểm này, mỗi năm Cicada 3301 lại đăng tải một câu đố mới khiến không ít người phải vò đầu bứt tai. Cuộc đua tìm manh mối giải mã câu đố Cicada 3301 bùng nổ trên mạng, thu hút nhiều chuyên gia công nghệ thông tin, hacker, hay những nhà mật mã học. Joel Eriksson là một trong số ít những người đã giải được câu đố này kể từ khi nó đầu tiên xuất hiện trên mạng.
"Tôi tình cờ nhìn thấy nó vào năm 2012,” Eriksson, một nhà nghiên cứu và phát triển bảo mật - mật mã đến từ Thụy Điển cho biết. “Thật không may, lúc tôi phát hiện ra thì nó đã được đăng một thời gian, vậy nên tôi có nhiều thứ cần phải bắt kịp với người khác."
Để giải quyết câu đố, Eriksson dựa vào một loạt các kỹ năng từ kỹ thuật giấu tin đến mật mã học, hiểu biết về số học cổ của người Maya và tiểu thuyết viễn tưởng cyberpunk. Để hiểu Cicada bí ẩn đến mức nào, người ta chỉ cần nhìn vào mức độ phức tạp của từng manh mối dẫn đến các phần tiếp theo của câu đố – tất cả những mảnh ghép cần thu thập để có được câu trả lời về Cicada 3301.
Từ hình ảnh đầu tiên được đăng tải, Eriksson sử dụng phần mềm giải mã giấu tin để trích xuất một tin nhắn được mã hóa bằng mật mã, trong đó mỗi chữ cái của văn bản thực sự tương ứng với một chữ cái khác. Sau khi giải mã xong, anh nhận ra nó ẩn chứa một đường dẫn URL trỏ đến hình ảnh của một con vịt. Lúc này, anh tiếp tục sử dụng các công cụ kỹ thuật giấu thư để đọc dãy mật mã gồm hai chữ số tách nhau bằng dấu phảy. Dãy mật mã này tiếp tục dẫn đến một đường link Reddit với những chữ số của người Maya ở đầu trang. Những chữ số này lại cung cấp manh mối cho một loạt những mật mã khác có trong bài viết của một người dùng Reddit.
Cứ thế cứ thế, từ thử thách này qua thử thách khác, Eriksson và các nhà giải mã nhận được một dãy số tọa độ, cho thấy câu đố này còn ẩn chứa ở thế giới thực: từ những manh mối để lại trong hộp thư thoại của một chiếc điện thoại Texas, tới những tờ rơi được dán vào các cột điện thoại ở 14 thành phố trên thế giới, bao gồm Mexico, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Nga, Pháp và Mỹ. Do hạn chế về địa lý, Eriksson phải nhờ đến những người khác trên khắp thế giới cùng tham gia cuộc giải mã Cicada 3301 ở những địa điểm đó. Họ tìm thấy trên các cây cột điện một tấm áp phích với hình ảnh một con ve sầu và một mã QR.
Eriksson quét một trong những mã QR, và nó dẫn đến hai hình ảnh khác nhau, bên trong có nhiều văn bản mã hóa, bao gồm một đoạn văn mà Eriksson nhận ra là bài thơ Agrippa của tác giả William Gibson. Từ đây, Eriksson được dẫn đến một địa chỉ trên web đen mà anh phải sử dụng mạng Tor mới có thể vào được.
Dù vậy, khi truy cập xong, Cicada 3301 đã đăng một đoạn thông điệp cho biết họ cảm thấy thất vọng với những người giải đố vì đã chia sẻ thông tin cho nhau. Họ phát hiện ra rằng không một ai hoàn thành tất cả các bước tuần tự như cách Eriksson làm được. Nếu Eriksson nhìn thấy câu đố ngay khi nó vừa được đăng lên, và tự mình giải được câu đố Cicada 3301, thì ngày nay anh ấy đã biết điều gì nằm ở đường link Tor mà Cicada đã dựng nên.
Chia sẻ về hành trình của mình, Eriksson nói: "Tôi cảm thấy khá thất vọng vì những người đến đây đúng lúc đều không thực tế giải được hết câu đố. Mọi người chia sẻ đáp án và hợp tác cùng nhau khá nhiều." Thế nhưng đối với Eriksson, thời gian và công sức bỏ ra không là vô nghĩa. Anh đã giải được câu đố khó nhất trên Internet chỉ trong ba tuần.
Vì sự thất bại ngay phút chót của những người giải mã, danh tính của Cicada 3301 vẫn còn là một ẩn số. Một số người cho rằng đây là kết quả của các ngân hàng toàn cầu trong nỗ lực thiết lập một loại tiền điện tử mới, hoặc nó được tạo ra bởi một nhóm hacker với bộ não siêu khủng. Nhiều người khác tin rằng đây là câu đố của các tổ chức từng báo như CIA, NSA hay MI6 với mục đích chiêu mộ các nhân tài cho tổ chức.