Khi nhắc tới một lời nói, hành động có tính chất xã giao, lịch sự bề ngoài, thiếu thân mật, đôi khi không thật lòng, người ta thường dùng từ "khách sáo". Nhiều người cho rằng, "khách sáo" được tạo bởi cách ghép tên chim khách và chim sáo, hai loài chim có khả năng bắt chước giọng nói, vì vậy chúng nói rất hay mà bên trong không chứa thực tình. Liệu điều này có chính xác?
"Khách sáo" vốn là một từ Hán Việt, được viết bằng hai chữ 客套, trong đó chữ "khách" (客) đã được Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức định nghĩa là: "Ở ngoài, đối với chủ". Còn "sáo" (套) được từ điển phổ thông giảng là "bao, túi, vỏ". Như vậy "khách sáo" (客套) dịch thuần ra là cái vỏ bề ngoài, từ đó mới có nghĩa bóng như đã nêu.
"Khách" (客) ở đây cũng chính là xuất xứ tên của chim khách, vì có quan niệm rằng hễ chim này hót là có khách đến nhà. Còn "sáo" (套) nhiều khả năng cũng là xuất thân của chim sáo, vì theo Việt Nam tự điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, từ này còn có nghĩa là "Nói về câu văn hay câu nói dùng những câu đã có sẵn từ trước. Câu văn sáo. Câu nói sáo"; điều này cũng nói lên tính chất của chim sáo là bắt chước. Như vậy, "khách sáo" không bắt nguồn từ chim khách, chim sáo mà phải là ngược lại.
Ngoài ra, từ "sáo" (套) ở đây còn xuất hiện trong "sáo rỗng", dịch thuần ra là cái vỏ trống không, còn hiểu rộng ra là nội dung vô vị, không ý nghĩa.
(Tổng hợp)