Khác với các ngôn ngữ khác trên thế giới, Tiếng Việt có bộ dấu câu đặc biệt. Chỉ cần thay đổi dấu là ta có một từ khác nghĩa hoàn toàn. Đó là chưa kể, Tiếng Việt có rất nhiều từ đồng nghĩa, từ bóng, từ lóng,... nghe vậy mà không phải vậy. Ngay cả người Việt Nam đôi khi cũng "loạn" hết cả não.
Rất nhiều câu đố mẹo vận dụng sự đa dạng của tiếng Việt.
Chẳng hạn với một câu hỏi có nội dung như sau:
Cà gì không ăn được?
Ai cũng biết, quả cà còn có tên khác là già tử, lạc tô, ải qua. Tên khoa học: Solanum melongena L., họ Cà (Solanaceae). "Anh đi anh nhớ quê nhà/Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương". Từ trong tâm thức của người Việt, quả cà là thứ không thể thiếu trong mâm cơm.
Cà có nguồn gốc ở vùng biên giới Ấn độ và Mianma; trong quá trình di thực và chọn giống nên hiện nay có nhiều thứ, loài khác nhau. Ở Việt Nam, cà bát và cà pháo có lịch sử trồng trọt lâu đời, là loại cây thích hợp với mọi miền đất nước.
Trong đông y, cà pháo vị ngọt, tính hàn, có tác dụng tán huyết, tiêu viêm, chỉ thống, nhuận tràng, lợi tiểu, trị thũng thấp độc, trừ hòn cục trong bụng, ho lao. Theo đó, cứ 100g cà pháo cung cấp 1,5g protein (có đủ các acid amin cần thiết cho cơ thể), 12mg canxi, 0,7mg sắt, 18mg magiê, 16mg phospho, 22,1g mg kali, 0,3mg kẽm. Ngoài ra nó còn chứa cả đồng và selen là các vi khoáng quý.
Vậy, có loại cà gì không ăn được? Ngoài cà độc dược, có một đáp án khác... không liên quan đến thực phẩm. Bạn có nghĩ ra câu trả lời chưa?
Đáp án chính là... CÀ LĂM. Nói lắp hay còn gọi là cà lăm là một rối loạn nhịp điệu bao gồm các vấn đề liên quan đến sự liền mạch và trôi chảy khi đang nói như kéo dài, lặp đi lặp lại một từ, một âm tiết nguyên âm hay phụ âm, đôi khi có thể dừng lại đột ngột khi đang nói vì có một từ hay âm tiết khó phát âm.
Người bị nói lắp, họ luôn biết rõ mình muốn nói điều gì, nhưng lại không thể truyền đạt một cách trôi chảy khi nói. Đây là tình trạng gián đoạn không chủ ý trong tính lưu loát lời nói bình thường. Những gián đoạn không chủ ý này có thể gây trở ngại cho giao tiếp thông thường và có thể ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp của một người trong một số tình huống giao tiếp bằng lời nói, cũng như trạng thái khỏe mạnh về mặt cảm xúc và xã hội.
Ngoài ra, còn có các đáp án khác như Cà Mau (một tỉnh của Việt Nam), cà nông (khẩu súng), cà rá (cái nhẫn), cà vạt...
Thế mới thấy, kho từ vựng tiếng Việt phong phú, đa dạng như thế nào. Chỉ cần ghép các từ vào với nhau là ta đã có thêm 1 từ nghĩa khác hoàn toàn rồi.
https://afamily.vn/cau-do-tieng-viet-ca-gi-khong-an-duoc-khong-phai-ca-doc-duoc-co-mot-dap-an-khac-sieu-de-nhung-nghi-nua-ngay-moi-ra-20220806230308483.chn