Chiều tháng 4, trong căn phòng thiết kế kiểu Nhật Bản giữa Thượng Hải, hai người trẻ tuổi ngồi quanh chiếc bàn, nhâm nhi cà phê và phơi mình dưới ánh mặt trời. Trên mặt bàn, hai con vịt lông màu kem, mỏ và bàn chân màu vàng óng đang uể oải đi lại.
Đây là một trải nghiệm thú cưng mới ở Thượng Hải, nơi cung cấp các dịch vụ tương tác với "vịt gọi" hay vịt cảnh (call duck). Mỗi khách hàng đến với các tiệm cafe này phải trả phí để đổi lấy vài giờ đồng hồ chơi đùa với những chú vịt. Giống như cafe mèo hay cafe thú cưng, rất nhiều người trẻ đã ghé thăm các câu lạc bộ này. Mỗi ngày các chú vịt có đến 30 - 40 khách hàng và tăng lên hàng trăm người vào dịp cuối tuần.
Được nuôi dưỡng đặc biệt, những chú vịt này có đặc điểm giống thú cưng hơn là vịt giống. "Những chú vịt gọi này hoạt bát và không sợ người. Chơi với chúng thấy rất vui", Tiểu Chu, một khách hàng tại quán "cafe vịt" nhận xét. Trên bàn, hai chú vịt tên Fendi và Poo Qi đang vươn cổ và cắn nhẹ vào lòng bàn tay cô.
Vịt gọi là một giống vịt lùn làm cảnh, có nguồn gốc Hà Lan, sở hữu bộ lông mượt mà, thân hình nhỏ nhắn. Gần đây, giống vịt này trở thành một lựa chọn vật cưng phổ biến với thế hệ trẻ Trung Quốc. Chủ nuôi sẽ dành thời gian tắm rửa, chải lông, chơi đùa với chúng thay thế những chú chó hay mèo cảnh.
Trên Taobao, nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, một con vịt gọi trưởng thành được bán với giá 21 triệu đồng (6000 nhân dân tệ), những con non rơi vào khoảng 9-10 triệu, thậm chí một quả trứng vịt đã thụ tinh có giá từ 2 đến 4 triệu VNĐ. Đặc biệt với những con có bộ lông đẹp, giá có thể lên tới 70 triệu đồng, tương đương 20.000 nhân dân tệ.
Theo những người nuôi, vịt gọi cũng như những thú cưng khác cần phải chi thêm tiền để mua lồng thiết kế riêng và đồ ăn nhẹ, thậm chí là tã lót nếu chưa huấn luyện được chúng đi vệ sinh đúng chỗ. Trào lưu nuôi vịt cảnh ngày càng thịnh hành khi chúng liên tục xuất hiện trên các mạng xã hội lớn ở Trung Quốc, đặc biệt là Tik Tok.
Theo một blogger chuyên hướng dẫn nuôi vịt cảnh tại nhà, cô từng chi 2,6 triệu để mua trứng vịt và ấp trong lồng. Đến ngày thứ 25, vịt con bắt đầu mổ vỏ và chào đời. Sau một ngày nếu không có động tĩnh gì, người nuôi sẽ phải bóc vỏ trứng, nếu không vịt con sẽ chết bên trong - nữ blogger chia sẻ.
Theo blogger này, ngoài ấp trứng, huấn luyện vịt cảnh cũng là công việc khó khăn, nhất là dạy chúng đi vệ sinh. Chúng không thông minh như chó mèo, nên cần nhiều thời gian hơn để được dạy đi vệ sinh đúng chỗ. Chuyện chúng bậy ra khắp nhà là điều bình thường với bất kỳ ai nuôi vịt. Vì thế, sản phẩm "tã gia cầm" ra đời, có kích cỡ khác nhau và được buộc cố định dưới phần mông vịt để giữ vệ sinh.
Không ai biết trào lưu này bắt nguồn từ đâu và liệu có kéo dài hay không. Tuy nhiên, không ai phủ nhận được sức hút dễ thương của những chú vịt bầu bĩnh trắng muốt. Nếu kéo dài, trào lưu này có thể biến vịt thành một trong những giống pet được giới trẻ yêu thích và chọn nuôi nhiều nhất ngày nay.