Trong truyện tranh và hoạt hình, khi các nhân vật (đa phần là nam giới) quá phấn khích do nhìn thấy những “cảnh nóng”, ngay lập tức họ bị “chảy máu mũi”. Đây là một mô típ được sử dụng rất nhiều trong phim truyện, đặc biệt là các sản phẩm của Nhật Bản, nhưng liệu có cơ sở khoa học nào đằng sau hiện tượng này? Câu trời là không!
Khái niệm “chảy máu mũi” không chỉ là một phần thú vị trong anime hay manga, mà nó thật sự còn là một câu chuyện hay được các bà vợ ở Nhật Bản nhắc tới.
Trang web Netallica ở Nhật đã đặt câu hỏi này cho một chuyên gia về tai mũi họng để xác nhận xem, có hay không hiện tượng “chảy máu mũi” khi nhìn thấy những hình ảnh nhạy cảm.
Theo bác sĩ Kouichirou Kanaya, việc “chảy máu mũi” thường được sử dụng để biểu hiện một cách mạnh mẽ khi ai đó nhìn thấy những hình ảnh nhạy cảm (thường là nam giới). Có được điều này là bởi trong văn hoá Nhật Bản thường sử dụng yếu tố biểu đạt ngụ ý, anime và manga cũng không nằm ngoài quy luật này, và việc “chảy máu mũi” ở đây thường ngụ ý cho sự “cực kỳ phấn chấn của đàn ông”. Còn về mặt khoa học, một người khoẻ mạnh lại tự dưng bị chảy máu mũi là điều bất hợp lý.
Tác giả truyện tranh Yasuji Tanioka được cho là người đầu tiên giới thiệu mô típ nhân vật nam chảy máu mũi khi thấy hình ảnh nhạy cảm của nữ giới trong bộ truyện Yasuji no Mettameta Gaki Dou Kouza vào những năm 1970. Rất nhiều tác giả khác cũng thích cách biểu đạt này, vì vậy mà họ “copy” nó vào các bộ truyện tranh khác.
Cũng theo bác sĩ Kanaya: “Quan điểm cho rằng sự kích thích làm cho nhịp tim và huyết áp tăng là hoàn toàn chính xác, nhưng đến nỗi có thể chảy máu mũi thì không thể.”
Không chỉ có nhân vật nam, đôi khi nữ cũng bị "xịt máu mũi"
Chảy máu mũi hoặc chảy máu cam thông thường xảy ra ở phần trước của khoang mũi, nơi có nhiều mạch máu. Nguyên nhân thường là do các chấn thương, va đập mạnh vào mũi, bệnh viêm đường hô hấp do cúm, viêm xoang, hít phải chất độc, do lệch vách ngăn mũi, do có dị vật kẹt trong đường thở, do không khí quá khô, do cao huyết áp hoặc rối loạn đông máu,… Trong một số trường hợp, chảy máu mũi còn do mắc rối loạn đông máu, các bệnh về mạch máu, rối loạn tiểu cầu hoặc có vấn đề trong các yếu tố làm đông máu. Ngoài ra, một số loại thuốc cũng khiến con người dễ bị chảy máu mũi.
Vô lý là thế nhưng mô típ "chảy máu mũi" này từ lâu đã trở thành một phần trong hoạt hình và truyện tranh (ít nhất là ở Nhật Bản). Nó thật sự là một biểu cảm thú vị, có ảnh hưởng đến nhiều thế hệ đọc truyện tranh và mong rằng nó sẽ vẫn còn tiếp tục.