Con chip này mang tên Intel Loihi, và là kết quả có được sau 6 năm nghiên cứu không ngừng nghỉ về cấu trúc đặc biệt, mô phỏng hoạt động của mạng lưới thần kinh trong não bộ của con người. Intel cho biết, con chip này có thể tự học theo nhiều mẫu khác nhau thu được từ phản hồi của môi trường, hoàn toàn tự động và không cần phải được huấn luyện theo phương thức truyền thống. Nhờ vậy, Intel Loihi có thể giúp cho máy tính tự sắp xếp và ra quyết định theo phản hồi mà chúng nhận được từ môi trường, mà không cần phải chờ đợi được cập nhật từ hệ dữ liệu đám mây.
Khi thử nghiệm với việc giải quyết các bài toán liên quan đến nhận thức ký tự viết tay của MNIST, các nhà nghiên cứu nhận thấy con chip mới này có tốc độ học cao gấp 1 triệu lần so với những con chip truyền thống dùng trong ngành trí tuệ nhân tạo. Bên cạnh đó, con chip này cũng tiêu tốn ít tài nguyên để thực hiện nhiệm vụ của mình hơn. Chip Loihi có thể mô phỏng tổng cộng 130000 nơ-ron cùng 130 triệu liên hợp thần kinh, cùng với hiệu suất cao gấp 1000 lần.
Những tính năng nổi bật của chip Intel Loihi gồm có:
– Mạng nơ-ron đa giác hỗ trợ nhiều mô hình cấu trúc nơ-ron thần kinh khác nhau, đồng thời mỗi nơ-ron trong mạng có khả năng giao tiếp với hàng ngàn các nơ-ron khác.
– Mỗi lõi nơ-ron trong mạng lưới có một hệ thống tự học trong đó, để tự động thích ứng trong khi hoạt động tại nhiều môi trường học tập khác nhau.
– Dựa trên nền tảng công nghệ vi xử lý 14 nm của Intel.
– Có khả năng mô phỏng tổng cộng 130000 nơ-ron và 130 triệu liên hợp thần kinh.
Con chip thử nghiệm của Intel Loihi sẽ được đưa tới các trường đại học cũng như trung tâm nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo vào nửa đầu năm 2018. Hiện tại, Intel vẫn chưa đưa ra bất kỳ thông tin gì về kế hoạch thương mại hóa chip Intel Loihi.