Trong một cuộc hội thoại, tất nhiên lời nói sẽ là hạt nhân. Tuy nhiên, lời nói là thứ có thể nguỵ tạo được còn những cử chỉ của cơ thể thì không. Nếu có kiến thức về ngôn ngữ cơ thể cùng một chút tinh ý, bạn thậm chí còn có thể xác định đối phương liệu có đang thành thật với bạn hay không.
Dưới đây là một vài ngôn ngữ cơ thể phổ biến không khó để nhận ra nhưng lại phản ánh khá chính xác sự thành thật của đối phương trong một cuộc trò chuyện.
1. Tránh giao tiếp bằng mắt hoặc nhìn đi nơi khác nhiều lần
Việc chuyển động đôi mắt thường xuyên không phải lúc nào cũng là dấu hiệu cho thấy ai đó đang nói dối. Nhưng nếu bạn nhận thấy đối phương liên tục nhìn lên trên bên trái hoặc bên phải của mắt họ thì rất có thể họ đang không thành thật.
Tuy nhiên, đừng nhầm lẫn khi mọi người thường nhìn xuống vì đó là hành vi tự nhiên khi họ cố gắng ghi nhớ điều gì đó. Do vậy, để xác định rõ hơn, bạn có thể đặt các câu hỏi liên tiếp và yêu cầu họ thuật lại câu chuyện của mình để tìm hiểu xem họ có đang nói dối hay không.
2. Thường xuyên dùng điện thoại khi đang nói chuyện
Nếu bạn thấy ai đó dán mắt vào màn hình của họ trong suốt buổi hẹn, điều này có thể cho thấy rằng họ sợ đối đầu hoặc lo lắng rằng tin nhắn từ người khác có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.
Thực chất, đây cũng là một thói quen vô cùng xấu. Do vậy, nếu họ gặp khó khăn trong việc giữ sự tập trung vào cuộc trò chuyện, hãy cố gắng theo dõi những gì họ đang làm và thẳng thắn góp ý nếu cần.
3. Họ chớp mắt liên tục
Chớp mắt là một hành vi tự nhiên của con người nhưng nếu tinh ý bạn có thể sẽ nhận ra được những cái chớp mắt bất thường, có thể là ai đó chớp mắt quá nhiều hoặc quá ít. Việc chớp mắt này biểu thị rằng đối phương đang cố gắng tạo một "bề ngoài" khác hoàn toàn so với con người thật của họ. Ví dụ, một ảo thuật gia có kinh nghiệm có thể chớp mắt chậm hơn bình thường để giả vờ tỏ ra tự nhiên về trò ảo thuật mà anh ta sắp trình diễn.
4. Bắt chéo chân và khoanh tay
Có thể bạn không nhận ra nhưng 55% cuộc trò chuyện của chúng ta là phi ngôn ngữ, và những cử chỉ tay chân là một phần quan trọng và phản ánh khá nhiều về thái độ của đối phương.
Trong đó, khoanh tay có thể biểu thị sự phòng thủ hoặc tự bảo vệ, trong khi bắt chéo chân có thể biểu thị sự không thoải mái với ai đó. Các dấu hiệu như mở rộng cánh tay quá mức cũng có thể là dấu hiệu của một người nắm quyền kiểm soát và chủ động hơn trong cuộc trò chuyện.
5. Làm cử chỉ tay thái quá
Sử dụng cử chỉ tay là một thói quen tốt khi bạn đang nói chuyện với mọi người. Nó giúp ta nhấn mạnh những điểm chính trong câu chuyện và thu hút được sự chú ý của đối phương.
Tuy nhiên, cũng giống như mọi thứ khác, nếu như tần suất sử dụng cử chỉ tay hay ngôn ngữ cơ thể của một người vượt quá mức bình thường, rất có thể là họ đang nói dối. Trên thực tế, một nghiên cứu được thực hiện vào năm 2015 cho thấy những người sử dụng cử chỉ tay bằng cả hai tay có nhiều khả năng là kẻ nói dối.
Bạn có thể phát hiện ra những cử chỉ tay "lành mạnh" bằng cách để ý đến vị trí của bàn tay khi nói chuyện. Nếu tay của đối phương đặt ngang với eo và cử chỉ tay được sử dụng có kiểm soát và chậm lại khi cậu chuyện cũng tạm dừng, họ thực sự là đang thành thật với bạn.
6. Thường xuyên thay đổi âm vực giọng nói
Đây là một dấu hiệu vô cùng quan trọng trong một cuộc trò chuyện. Nếu đủ tinh tế bạn sẽ có thể nhận ra âm vực giọng nói của người đối diện và xác định được họ có đang thành thật hay không.
Thông thường, những người nói dối hay có xu hướng chuyển đổi giọng nói bình thường sang âm vực cao hơn. Mặc dù một giọng nói the thé hoặc giọng nói trầm khàn không có nghĩa họ đang nói dối, nhưng giọng nói the thé cùng với các dấu hiệu khác của ngôn ngữ cơ thể có thể giúp bạn quyết định xem mình có nên tin tưởng ai đó hay không.
Nguồn: Bright Site
https://kenh14.vn/chuyen-gia-tiet-lo-6-cach-doc-ngon-ngu-co-the-hieu-qua-giup-bat-bai-duoc-su-trung-thuc-cua-bat-ky-ai-chi-qua-mot-anh-mat-20220703114459037.chn