Theo quyển Daily Life in the Mongol Empire, người Mông Cổ có truyền thống không uống nước lã. Đây có thể xuất phát từ niềm tin của người Mông Cổ rằng nguồn nước rất thiêng liêng. Trong một ghi chép của nhà truyền giáo William of Rubruck về cuộc sống với người Mông Cổ, ông cũng ghi nhận rằng họ rất "cẩn thận để không uống nước".
Không nổi tiếng như ở Đài Loan nhưng Mông Cổ cũng được xem là "cái nôi" của món trà sữa. Trà sữa là thức uống truyền thống và người dân uống hàng ngày, thậm chí còn nhiều hơn nước lọc. Ảnh: Susan Portnoy.
Người Mông Cổ tạo nên hương vị đặc trưng của trà sữa bằng cách đun sôi nước với trà và sữa tươi. Khi uống họ thường bỏ thêm một chút muối, bơ, hạt kê rang. Hương vị của trà sữa sẽ thay đổi theo mùa trong năm. Ảnh: Rove.
Mùa xuân, khi gia súc không còn nhiều sữa, trà đen thịnh hành nhất. Món trà này có thể được hiểu đơn giản là trà sữa không có sữa, mang đến một hương vị thanh hơn cho món trà sữa nguyên bản béo ngậy. Ảnh: Eat Drink KL.
Hè đến, thời tiết nóng nực, người dân sẽ thưởng thức loại thức uống mang tên Hyaram (хярам). Đây là sự kết hợp giữa nước, sữa kèm theo một chút muối. Với hương vị ngọt nhẹ, đây là thức uống được người dân Mông Cổ yêu thích nhất mùa hè và ngon nhất khi uống lạnh. Ảnh: Pascal Mannaerts.
Mùa thu là thời điểm gia súc có nhiều sữa trở lại và loại trà sữa được ưa thích nhất vào thời điểm này chính là Airag (sữa ngựa lên men). Loại đồ uống này có lượng protein và vitamin rất cao. Việc chế biến Airag cũng khá phức tạp. Ảnh: Discover Mongolia Travel.
Để làm được một lượng Airag cho cả gia đình, người Mông Cổ phải sử dụng sữa của 10 con ngựa cái, hàng ngày phải lắc đều hàng nghìn lần để sữa không quá đặc, cũng không quá lỏng. Ảnh: On the Gas.
Đông đến, người Mông Cổ sẽ sử dụng trà sữa mặn, một loại thức uống nóng hổi, béo ngậy rất thích hợp trong thời tiết giá lạnh. Ảnh: Ublife.