Vậy ý kiến nào là đúng, ý kiến nào là sai?
Trước hết, chúng ta phải xét đến định nghĩa của thông minh là gì. Thông minh có nghĩa là sở hữu một khả năng phán đoán nhạy bén, phân tích được tình huống và giải quyết chúng, IQ cao,... Một đứa trẻ thông minh luôn hiểu được những gì mình đang làm, sáng dạ, luôn tìm hiểu mọi thứ xung quanh chúng.
Thị trường game xưa nay rất đa dạng. Chúng ta có ‘Where in the World is Carmen Sandiego?’ được làm ra để cung cấp kiến thức về địa lý và lịch sử; "Deceit" dạy cho chúng ta cách nhận biết được những dấu hiệu của sự giả dối, phân biệt đúng sai. Đối với trẻ em, những tựa game nhập vai có thể giúp ích rất nhiều cho việc rèn luyện kỹ năng đọc, nghe ngoại ngữ. Những tựa game FPS thì giúp chúng rèn luyện khả năng phản ứng tình huống nhạy bén, dạy chúng cách phối hợp nhịp nhàng giữa thị giác và xúc giác để có thể xử lý mọi chướng ngại.
Tuy nhiên, phải chắc chắn rằng game của bọn trẻ chơi phải là những tựa game phù hợp độ tuổi. Hiện nay, chúng ta có thể dễ dàng thấy có rất nhiều tựa game gán mác giới hạn độ tuổi. Từ đó, các bậc phụ huynh có thể kiểm soát được những thứ mà con em mình nên và không nên chơi. Thêm vào đó, việc chơi game phải được điều độ đúng cách. Chúng ta không ai xa lạ gì về những thông tin về các tệ nạn xuất phát từ việc nghiện game đã xuất hiện nhan nhản hằng ngày trên các mặt báo cũng như các phương tiện truyền thông khác. Do đó, cái gì cũng phải có giới hạn của nó, việc chơi game cũng không ngoại lệ.
Việc chơi game có khiến trẻ em thông minh hơn hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Chúng ta không thể nhận xét nó khi đứng nghiêng về bất cứ khía cạnh nào. Trẻ em có thể trở nên thông minh hơn khi chúng biết thoát khỏi những khuôn khổ của trò chơi. Chúng có thể tìm hiểu cốt truyện và vai trò của chính mình trong game để có thể học hỏi được những thông điệp mà nhà làm game truyền tải, từ đó phát triển khả năng của mình. Chỉ cần đừng quá lạm dụng thì game sẽ là một công cụ giáo dục tốt cho phụ huynh.