Con người để lại hơn 7 tấn rác trên sao Hỏa sau 50 năm thám hiểm

Con người đã khám phá bề mặt sao Hỏa trong hơn 50 năm qua và để lại trên sao Hỏa khoảng 7 tấn rác. Chúng có khả năng gây nguy cơ cao cho các sứ mệnh thám hiểm hiện tại và tương lai tại hành tinh này.

Theo Văn phòng Liên Hiệp Quốc về các vấn đề ngoài không gian (UNOOSA), trong 50 năm qua các quốc gia đã gửi 18 vật thể nhân tạo lên sao Hỏa trong 14 nhiệm vụ riêng biệt.

Nhiều sứ mệnh trong số này vẫn đang được tiếp tục. Tuy nhiên qua nhiều thập kỷ thám hiểm sao Hỏa, loài người đã để lại rất nhiều mảnh rác vụn trên bề mặt hành tinh này.

Vào giữa tháng 8-2022, Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) xác nhận tàu Mars Rover Perseverance đã phát hiện một mảnh rác bị văng ra trong quá trình hạ cánh, đó là một mớ lưới hỗn độn.

Con người để lại hơn 7 tấn rác trên sao Hỏa sau 50 năm thám hiểm - Ảnh 1.

Mảnh rác hình sợi mì spaghetti được phát hiện trên sao Hỏa - Ảnh: NASA

Đây không phải lần đầu tiên các nhà khoa học tìm thấy rác trên sao Hỏa, theo trang The Conversation.

Các mảnh vỡ đến từ đâu?

Các mảnh vỡ trên sao Hỏa đến từ 3 nguồn chính: phần cứng để hạ cánh của con tàu vũ trụ bị loại bỏ, tàu vũ trụ không hoạt động và tàu vũ trụ bị rơi.

Mọi nhiệm vụ lên bề mặt sao Hỏa đều cần một module bảo vệ tàu vũ trụ. Module này bao gồm một tấm chắn nhiệt khi tàu đi qua bầu khí quyển của hành tinh, một chiếc dù và phần cứng để tàu có thể hạ cánh nhẹ nhàng.

Việc loại bỏ một cách thủ công các mảnh của module khi con tàu hạ xuống khiến những mảnh này có thể bể nhỏ và văng ra khắp nơi trên bề mặt sao Hỏa.

Trước đó, vào ngày 13-6-2022, tàu thám hiểm Perseverance rover đã phát hiện ra một tấm chắn nhiệt lớn, sáng bóng nằm trong một số tảng đá, cách nơi chiếc Rover hạ cánh 2km.

Cả hai con tàu thám hiểm Curiosity năm 2012 và Opportunity năm 2005 cũng gặp phải các mảnh vỡ từ các phương tiện hạ cánh của chúng.

"Di tích" không mong muốn

Có 9 tàu vũ trụ không hoạt động bị rơi trên bề mặt sao Hỏa cũng tạo thành những mảnh vỡ tiếp theo. Chúng gồm tàu đổ bộ Mars 3, tàu đổ bộ Mars 6, tàu đổ bộ Viking 1, tàu đổ bộ Viking 2, tàu đổ bộ Sojourner, tàu đổ bộ Beagle 2 bị mất trước đây, tàu đổ bộ Phoenix, tàu đổ bộ Spirit và tàu The Opportunity Rover.

Từng mảnh vỡ của con tàu được xem như một di tích lịch sử, với những câu chuyện ghi đậm dấu ấn của loài người trên hành tinh này.

Tuy nhiên, những "di tích" này vương vãi "vô trật tự" trên bề mặt sao Hỏa. Chẳng hạn, một số bộ phận thuộc về bánh xe bằng nhôm của Curiosity đã bị gãy và nằm rải rác. Còn tàu Perseverance đã thả một mũi khoan xuống bề mặt sao Hỏa vào tháng 7-2021.

Ít nhất có 2 tàu vũ trụ đã bị rơi, và 4 tàu khác đã mất liên lạc trước hoặc ngay sau khi hạ cánh.

Đáp xuống bề mặt hành tinh một cách an toàn luôn là phần khó nhất của các sứ mệnh hạ cánh trên sao Hỏa, và nó không phải lúc nào cũng kết thúc tốt đẹp.

Khi cộng khối lượng của tất cả các tàu vũ trụ đã từng được gửi đến sao Hỏa, chúng ta sẽ có khoảng 9.979kg rác. Trừ đi trọng lượng của chiếc tàu đang hoạt động trên bề mặt nặng 2.860kg, còn lại 7.119kg mảnh vỡ của các con tàu bỏ bị lại trên sao Hỏa.

Rác trên sao Hỏa ảnh hưởng ra sao?

Ngày nay, các nhà khoa học rất quan tâm về rác trên sao Hỏa, vì đó là nguy cơ lớn cho các sứ mệnh hiện tại và tương lai.

Một nhóm nghiên cứu đang ghi lại tất cả các mảnh vỡ trên sao Hỏa được tìm thấy. Họ muốn kiểm tra xem liệu có bất kỳ mảnh vụn nào có thể làm ô nhiễm các mẫu đất đá mà tàu thám hiểm đang thu thập hay không.

Các kỹ sư của NASA cũng đã xem xét liệu con tàu Perseverance bị rơi khi hạ cánh có phải do vướng vào các mảnh vỡ hay không? Tuy nhiên, các kỹ sư cho rằng rủi ro này rất thấp.