Con sông hẹp nhất thế giới 'lạ' ra sao: Dài 17km nhưng chỉ rộng 4cm ở đoạn hẹp nhất, tồn tại từ 10.000 năm trước

Mặc dù chiều rộng chỉ vài cm, sông Hualai có đầy đủ tiêu chí để được coi là một dòng sông, đơn cử như việc đây là một dòng nước cố định, chảy đều đặn quanh năm, lưu vực được xác định rõ ràng, đồng cỏ lũ lụt.

Tại điểm rộng nhất, sông Amazon rộng hơn 6 dặm trong mùa khô và rộng 24 dặm trong mùa mưa. Cho đến nay, đây được coi là con sông rộng nhất thế giới. Với nhiều con sông khác trên thế giới, hầu hết đều có chiều rộng ít nhất một dặm tại điểm rộng nhất của chúng.

Tuy nhiên, trên thực tế, chiều rộng không phải đặc điểm để xác định (hay phân loại) một con sông.

Theo đó, tại Trung Quốc, có một con sông hẹp tới mức bạn có thể dễ dàng bước qua. Đó là sông Hualai, nằm ở cao nguyên Nội Mông tại phía bắc Trung Quốc. Mặc dù có chiều dài khoảng 17 km, chiều rộng trung bình của sông Hualai chỉ khoảng 15cm (?!). Đặc biệt, ở những đoạn hẹp nhất, con sông này chỉ rộng khoảng 4cm!

Con sông hẹp nhất thế giới 'lạ' như thế nào: Dài 17km nhưng chỉ rộng 4cm ở đoạn hẹp nhất, tồn tại từ 10.000 năm trước - Ảnh 1.

Thật khó tin rằng một dòng sông như Hualai thực sự tồn tại, nhưng theo các chuyên gia Trung Quốc, nó đã chảy qua đồng cỏ Gongger ở Nội Mông ít nhất 10.000 năm. Được biết, nó bắt nguồn từ một con suối ngầm và chảy vào hồ Dalai Nur trong khu bảo tồn thiên nhiên Hexigten Grasslands.

Con sông hẹp nhất thế giới 'lạ' như thế nào: Dài 17km nhưng chỉ rộng 4cm ở đoạn hẹp nhất, tồn tại từ 10.000 năm trước - Ảnh 2.

Mặc dù một số người sẽ nói rằng Hualai quá hẹp để thậm chí được coi là một con sông, nhưng thực tế là kích thước không phải là yếu tố phân biệt giữa sông, suối và lạch. Hualai là một dòng nước cố định, chảy đều đặn quanh năm và nó có tất cả các yếu tố đặc trưng của một dòng sông, chẳng hạn như lưu vực được xác định rõ ràng, đồng cỏ lũ lụt, v.v.

Con sông hẹp nhất thế giới 'lạ' như thế nào: Dài 17km nhưng chỉ rộng 4cm ở đoạn hẹp nhất, tồn tại từ 10.000 năm trước - Ảnh 3.

Khá thú vị, sông Hualai còn được người dân địa phương gọi là 'Sông cầu sách', vì một câu chuyện dân gian kể về một cậu bé bị vấp ngã khi cố băng qua sông, vô tình làm rơi cuốn sách của mình ngay trên một trong những phần hẹp nhất của Hualai. Cuốn sách đã trở thành một cây cầu hữu ích cho những con kiến đang cố gắng sang bờ bên kia, và cái tên 'Sông cầu sách' vẫn tồn tại.

Đáng chú ý, mặc dù sông Hualai không đặc biệt rộng, nhưng nó có độ sâu lên tới 50 cm.

Tham khảo OddityCentral