‘Sợ ngày thứ 2’ là cảm giác của rất nhiều người mỗi khi kỳ nghỉ cuối tuần kết thúc và một tuần làm việc mới lại bắt đầu. Tuy nhiên, trái với suy nghĩ thông thường rằng cảm giác này bắt nguồn từ sự lười biếng, thật ra ‘sợ ngày thứ 2’ được xem là một biểu hiện của hội chứng tâm lý nguy hiểm có tên ‘Burn-out’. Dù chưa được WHO công nhận là bệnh, nhưng ‘Burn-out’ đang khiến cho cuộc sống của nhiều người trở nên tồi tệ.
‘Sợ ngày thứ 2’ và hội chứng Burn-out
Theo nhiều nghiên cứu, khoảng 90% người dân Hàn Quốc trải nghiệm cảm giác ‘sợ ngày thứ 2’. Cụ thể hơn, chỉ cần nghĩ đến việc đi làm hoặc đi học cũng khiến họ cảm thấy nặng nề khủng khiếp, họ chỉ muốn ngủ cố thêm một chút. Bên cạnh đó, chứng mất ngủ hoặc ngủ chập chờn không ngon giấc cũng khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi, dễ cáu gắt.
Năm 2019, Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã xếp hội chứng Burn-out vào mục ‘Các vấn đề liên quan đến việc làm và tình trạng thất nghiệp’. Sự thay đổi này rất đáng chú ý, nó cho thấy là ngày càng có nhiều người dễ phải đối mặt với sự căng thẳng và ảnh hưởng sức khỏe ngay tại chỗ làm. Và nếu tình trạng này kéo dài, chẳng những bản thân người mắc phải gặp những khó khăn trong giao tiếp, làm việc mà còn khiến cho mọi người xung quanh họ cũng như hiệu suất làm việc bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Những biểu hiện của hội chứng ‘Burn-out’
Theo định nghĩa của WHO thì Burn-out được định nghĩa là ‘hội chứng gây ra bởi căng thẳng mãn tính không kiểm soát được ở nơi làm việc’. Người mắc hội chứng này sẽ có những đặc điểm thường thấy như sau: lúc nào cũng cảm thấy cạn kiệt năng lượng hay kiệt sức, cảm thấy ngay càng xa cách về mặt tinh thần, công việc đang làm lẫn hiệu quả chuyên môn giảm sút nghiêm trọng, khó làm việc theo nhóm, khả năng sáng tạo bị hạn chế.
Burn-out thường xảy ra đối với những người chăm chỉ quá mức. Họ thường làm việc đến tối tăm mặt mũi suốt cả tuần và không hề nghỉ ngơi dù có trong một kỳ nghỉ đi chăng nữa. Dần dà, mọi năng lượng của họ bị đốt cháy đến cạn kiệt, cơ thể cứ thế rơi không người xuống đáy sâu mệt mỏi còn thần kinh lúc nào cũng trong trạng thái căng thẳng. Ngay cả khi đang bị burn-out, họ cũng không muốn hoặc không thể dành cho mình một thời gian nghỉ ngơi đúng nghĩa để nạp lại năng lượng.
Làm thế nào để thoát khỏi hội chứng Burn-out?
Trong thời đại 4.0, việc dứt hoàn toàn khỏi công việc kể cả khi ở nhà hay trong kỳ nghỉ là rất khó khăn vì người ta có nhiều cách để kết nối lẫn làm việc từ xa. Thế nên, cách khả thi hơn để đối mặt với burn-out đó là mỗi cá nhân cần phải xác định mục tiêu cũng như tốc độ làm việc phù hợp để đạt được mục tiêu đã đặt ra. Bên cạnh đó, cũng cần nghỉ ngơi và chăm sóc cho bản thân, chia sẻ bớt công việc nhằm đảm bảo năng suất lẫn tâm lý thoải mái.
Hiện nay, việc mở lòng chia sẻ, giãi bày với đồng nghiệp, bạn bè và người thân khi cảm thấy mệt mỏi, chán nản cũng được xem là cách hiệu quả để đẩy lùi burn-out.