Amazon là con sông dài thứ 2 thế giới và là một trong những tuyến đường thủy quan trọng nhất hành tinh. Nó chứa nhiều nước ngọt hơn bất kỳ con sông nào khác, là nơi sinh sống của loài cá heo sông lớn nhất thế giới, nhà của 100 loài cá điện và 60 loài cá piranha.
Tuy nhiên, mặc dù vô cùng đa dạng sinh học và rất rộng lớn, có một thứ không thể tìm thấy trên sông Amazon: những cây cầu.
Theo Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), vì Amazon chảy qua 3 quốc gia (Peru, Colombia và Brazil) và hơn 30 triệu người sống trong lưu vực sông, thật kỳ lạ khi không có cây cầu nào bắc qua nó. Vậy lý do nào đứng sau hiện tượng này, địa hình, khí hậu, hay khó khăn về tài chính?
Sự bất thường của sông Amazon
Khi so sánh với một số con sông nổi danh khác trên thế giới, việc Amazon không có cầu bắc qua là một trường hợp độc nhất. Chỉ riêng ở Cairo đã có khoảng 9 cây cầu bắc qua sông Nile; hơn 100 cây cầu bắc qua sông Dương Tử - con sông lớn nhất châu Á - đã được hoàn thành trong 30 năm vừa rồi; trong khi đó sông Danube của châu Âu dù chỉ dài bằng 1/3 sông Amazon cũng có tới 133 cầu.
Vậy vấn đề với Amazon là gì?
Walter Kaufmann, Chủ tịch Khoa Kỹ thuật Kết cấu (Kết cấu Bê tông và Thiết kế Cầu) tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ (ETH) Zurich, chia sẻ với chuyên trang Live Science: "Không có nhu cầu đủ cấp bách về một cây cầu bắc qua Amazon.
Amazon, với phần lớn chiều dài 4.300 dặm (6.920km), uốn khúc qua các khu vực dân cư thưa thớt, có nghĩa là có rất ít con đường lớn để kết nối với một cây cầu. Ở các thành phố và thị trấn giáp sông, thuyền và phà là phương tiện phổ biến để di chuyển hàng hóa và con người từ bờ này sang bờ khác. Vì vậy, việc xây cầu cũng không cần thiết ngoài việc cải thiện tốc độ di chuyển".
"Tất nhiên, cũng có những khó khăn về kỹ thuật và hậu cần" Kaufmann lưu ý.
Thuyền và phà là phương tiện qua sông chính tại Amazon.
Theo Kaufmann, Amazon không phải là một địa điểm lý tưởng cho việc xây dựng cầu, vì nó có một loạt các trở ngại tự nhiên mà các kỹ sư và công nhân xây dựng cần phải chinh phục.
Lấy ví dụ, các đầm lầy rộng lớn và lớp đất mềm của nó sẽ đòi hỏi "những cầu cạn tiếp cận rất dài (tức một cây cầu nhiều nhịp bắc qua các khu vực trũng) và phần móng cực kỳ sâu". Điều này sẽ đòi hỏi một khoản đầu tư khổng lồ, Kaufmann nói.
Ngoài ra, sự thay đổi vị trí của dòng sông qua các mùa, với "sự khác biệt rõ rệt" về độ sâu của nước, sẽ làm cho việc xây dựng trở nên "cực kỳ khó khăn". Điều này một phần là do mực nước sông lên xuống quanh năm và phù sa mềm của các bờ sông xói mòn và thay đổi theo mùa, theo Chương trình Sáng kiến Vùng nước Amazon.
Amazon có địa hình vô cùng phức tạp cho việc xây cầu.
Kaufmann lưu ý rằng, trong khi những vấn đề này cũng hiện hữu ở các con sông khác, chúng đặc biệt nghiêm trọng tại Amazon.
Giáo sư nói thêm: "Môi trường ở Amazon chắc chắn là một trong những nơi khắc nghiệt nhất (trên thế giới). Những cây cầu qua eo biển cũng là một thách thức nếu nước rất sâu, nhưng ít nhất chúng có thể được xây dựng bằng cách sử dụng phao chẳng hạn".
Vẫn chỉ nằm trên giấy
Điều đáng chú ý là, mặc dù không có cây cầu nào bắc qua Amazon, nhưng vẫn có một công trình trên sông Negro - phụ lưu chính của nó. Có tên là Ponte Rio Negro, cầu được hoàn thành vào năm 2011 và cho đến nay là cây cầu chính duy nhất bắc qua bất kỳ nhánh sông nào của Amazon.
Mặc dù đã có nhiều sáng kiến được khởi xướng về một cây cầu chính thức qua Amazon, đến nay vẫn chưa có kết quả khả thi nào đạt được. Theo giáo sư Kaufmann, một công trình như vậy vào thời điểm hiện tại sẽ là viễn cảnh xa xôi, trừ khi có sự phát triển kinh tế bất ngờ của các nước trong khu vực.
Nguồn: Live Science
https://afamily.vn/dai-thu-2-the-gioi-nhung-con-song-nay-khong-he-co-mot-cay-cau-bac-qua-khoa-hoc-tiet-lo-ly-do-khong-ngo-20220530221923139.chn