Điện thoại rơi xuống nước, cách 'cấp cứu' cực đơn giản và hiệu quả bất ngờ

Khi điện thoại rơi xuống nước người dùng không nên vội vã mang ngay ra hàng xử lý mà hãy nhanh chóng thực hiện những thủ thuật đơn giản dưới đây.
Điện thoại rơi xuống nước, cách cấp cứu cực đơn giản và hiệu quả bất ngờ - Ảnh 1.

Theo tổ tư vấn chăm sóc khách hàng của Thế giới di động, ngoại trừ một số dòng điện thoại thông minh chuyên chống nước, chống bụi như Sony Xperia hay HTC Butterfly 2… thì đa số các dòng còn lại đều không "nghịch" nước được.

Khi gặp tình huống bị rơi điện thoại xuống nước điều đầu tiên là phải nhanh chóng lấy ra khỏi nước bởi nếu chỉ cần chần chừ vài giây thôi nước sẽ nhanh chóng xâm nhập vào các bộ phận của điện thoại thông qua các khe hở được che chắn đơn giản.

Tuy nhiên cũng cần phải lưu ý, nếu trường hợp điện thoại đang sạc mà bị rơi thì nên rút sạc ra sau mới lấy điện thoại kẻo bị giật. Sau đó cần tiến hành các bước dưới đây:

Điện thoại rơi xuống nước, cách cấp cứu cực đơn giản và hiệu quả bất ngờ - Ảnh 2.

Khắc phục điện thoại rơi xuống nước có nhiều cách người dùng cần lưu ý

Tắt nguồn điện thoại ngay lập tức

Việc đầu tiên phải cần làm là lấy chiếc điện thoại và tắt nguồn ngay lập tức. Vì khi tắt nguồn sẽ tránh được trường hợp nước len lỏi vào những bo mạch gây chạm và đứt mạch điện nếu điện thoại vẫn còn hoạt động, tồi tệ hơn là người dùng có thể sẽ gặp khó khăn trong việc sửa chữa hoặc máy sẽ bị giảm chất lượng.

Cần tháo ngay pin, thẻ nhớ trong điện thoại

Hãy tháo nắp lưng và lấy pin ra khỏi máy ngay lập tức sau đó hãy dùng khăn mềm khô để lau pin. Nếu máy là pin liền máy thì hãy tháo sim, thẻ nhớ ra khỏi máy. Do thẻ nhớ và sim nhỏ nên việc lau khô sẽ dễ dàng hơn. Ngoài ra cũng cần phải lấy tăm bông để lau cổng sạc, cổng tai nghe, tất cả các cổng kết nối với phụ kiện…

Thủ thuật dùng gạo để hút ẩm

Nhiều người không biết rằng, gạo là nguyên liệu dễ tìm, vì có tính chất chống oxy hóa và tính năng hút ẩm cao, nên gạo sẽ hút nước ra khỏi điện thoại trong khoảng thời gian một đến hai ngày, tùy trường hợp nước vào nhiều hay ít.

Phương pháp này có thể thực hiện theo cách lấy gạo vào một hộp nhựa nhỏ sau đó cho điện thoại vào đó khoảng 48h. Người dùng không nên nóng vội mở nguồn ngay sẽ khó khắc phục mà nên chờ đợi.

Khởi động và kiểm tra máy

Sau khi để gạo hút ẩm xong người dùng có thể mở máy. Tuy nhiên trước khi mở máy phải lấy tăm bông lau khô các phần bụi của gạo xung quanh các khe cắm.

Nếu trường hợp đã gắn pin vào rồi nhưng máy không mở hãy cắm sạc và kiểm tra thông báo sạc. Nếu trong lúc sạc có tiếng kêu lạ hoặc nghe mùi khét thì nên rút sạc ra ngay lập tức. Nghĩa là đã bị hư hỏng, hãy thay pin mới và thử lại với máy. Trường hợp đã thay pin, nhưng vẫn mở nguồn không lên thì chứng tỏ điện thoại đã bị hỏng.

Ngoài ra, tổ tư vấn chăm sóc khách hàng của Thế giới di động cũng khuyến cáo, người dùng không nên bật hoặc sử dụng điện thoại trong bất kỳ trường hợp nào. Cũng không nhấn bất kỳ nút hoặc phím nào, càng không được đập mạnh điện thoại để nước trôi ra.

Việc làm này chỉ tạo thêm lực khiến cho nước nhanh chóng xâm nhập vào các bộ phận khác bên trong điện thoại, gây thiệt hại nhiều hơn. Đặc biệt không được cho điện thoại vào lò vi sóng, tủ đông vì có thể hỏng điện thoại ngay.