"Độ ta không độ nàng" – bản hit thực sự hay chỉ là trào lưu ngớ ngẩn của cư dân mạng?

Gần đây, có không ít những bài hát gây tranh cãi dữ dội trong cộng đồng mạng, mà gần đây nhất là bài hát gây sốt "Độ ta không độ nàng".

Xuất hiện từ cách đây vài chục năm, những bài hát nhạc Hoa lời Việt đã không còn quá xa lạ với người nghe nhạc. Thời gian gần đây, cùng với cơn sốt sách báo, phim ảnh ngôn tình cổ phong Hoa ngữ, hàng loạt giọng ca Youtube đã làm sống lại dòng nhạc này. Phần lớn các bài hát được lựa chọn cover lời Việt đều được đón nhận rộng rãi nhờ ca từ hoa mỹ, dễ nghe, giai điệu bắt tai. Tuy nhiên, trong số đó vẫn có không ít những bài hát gây tranh cãi dữ dội trong cộng đồng mạng, mà gần đây nhất là bài hát gây sốt "Độ ta không độ nàng".

"Độ ta không độ nàng" từ ngôn tình đến cơn sốt MXH

Chỉ trong một thời gian rất ngắn, từ một bài hát do giọng ca online ít tên tuổi trình bày, "Độ ta không độ nàng" đã phủ sóng trên mọi mặt trận cả online lẫn offline. Đi bất cứ đâu, ai cũng có thể nghe được giai điệu âu sầu của bài hát, đến mức nhiều người còn thuộc lòng từng câu.

Độ ta không độ nàng – bản hit thực sự hay chỉ là trào lưu ngớ ngẩn của cư dân mạng? - Ảnh 1.

Tại sao "Độ ta không độ nàng" lại lan truyền khủng khiếp đến vậy? Một phần là nhờ vào hiệu ứng ăn theo ngôn tình Trung Quốc. Trên nhiều fanpage, comment,... về bài hát, các fan ngôn tình chia sẻ một câu chuyện được cho là nguồn cảm hứng sáng tác như sau:

Ngày xưa có một vị tiểu hòa thượng và một quận chúa. Hai người là bạn thanh mai trúc mã. Mặc dù tiểu hòa thượng đã xuất gia, nhưng quận chúa vẫn đem lòng thầm thương trộm nhớ tiểu hòa thượng. Tuy nhiên, tình cảm của quận chúa không được đáp lại, vì vậy mà nàng bỏ đi. Một thời gian sau, hòa thượng nghe được hung tin quận chúa bị ép cưới một người nàng không yêu, hơn nữa còn bị làm nhục nên đã tự sát. Quá đau khổ, hòa thượng hóa tâm ma, đi giết kẻ kia để trả thù cho nàng. "Độ ta không độ nàng" lấy cảm hứng từ câu hỏi của hòa thượng sau khi giết người "Vì sao độ ta không độ nàng, để nàng phải chịu khổ?"

Câu chuyện này được dựng thành clip hoạt hình ngắn, nhiều fanpage và group ngôn tình chia sẻ với nhau.

Tuy nhiên, một phần khác khiến bài hát nhanh chóng thành "từ khóa hot" bỏ xa bản gốc tiếng Trung, lại bắt nguồn từ sự nhầm lẫn khôi hài ít ai ngờ đến. Nhiều fan ngôn tình đã nhầm lẫn bài hát sáng tác theo bộ tiểu thuyết ngôn tình lấy chủ đề Phật giáo gây nhiều tranh cãi "Bất phụ Như Lai, bất phụ khanh" (tựa tiếng Việt: "Đức Phật và nàng") của tác giả Chương Xuân Di. Vậy là một đồn mười, mười đồn trăm, các fan càng tích cực chia sẻ trên MXH.

Một sản phẩm chất lượng hay trào lưu tiêu cực?

Trước cơn sốt "Độ ta không độ nàng" với đủ câu chuyện ngôn tình lâm li tô vẽ bên lề, bài hát được nhiều ca sĩ, celeb,... cover lại trên Youtube. Nhưng cũng từ đây, nhiều ý kiến trái chiều về bài hát đã nổi lên. Một bộ phận netizen chỉ trích bài hát và cho rằng phần ca từ xúc phạm nghiêm trọng đến tín ngưỡng và quan điểm coi việc tu hành, Phật pháp là thiêng liêng, cao quý của người Việt?

Độ ta không độ nàng – bản hit thực sự hay chỉ là trào lưu ngớ ngẩn của cư dân mạng? - Ảnh 2.

Thậm chí, trên một số hội nhóm tìm hiểu lịch sử, ngay lập tức đã xuất hiện những bài viết gán ghép một điển tích về công chúa Ngọc Anh với hòa thượng Liễu Đạt nhằm ăn theo bài hát. Tất nhiên, độ đúng sai của những bài viết này cũng sớm bị netizen thông minh bóc mẽ, song người ta vẫn phải đặt ra câu hỏi liệu chăng cơn sốt "không độ" này đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực cho một bộ phận người hâm mộ?