Một trong số những trường hợp đi vào lịch sử về độ điên rồ chính là trường hợp biên giới giữa hai nước Ấn Độ và Bangladesh. Khi mà một ngôi làng nhỏ Bangladesh nằm lọt trong một thôn của Ấn Độ, thôn của Ấn Độ nằm giữa một xã của Bangladesh, xã của Bangladesh bị vây giữa huyện của Ấn Độ và huyện của Ấn Độ lại ở trên phần đất của một tỉnh thuộc Bangladesh.
Truyền thuyết đầy hài hước về những khoảnh đất
Truyền thuyết kể rằng từ nhiều thế kỷ trước, đã có hai vị vua (maharaja) của Ấn Độ chơi đấu cờ với nhau. Họ đã cắt phần đất mình cai quản thành những khoảnh nhỏ để dùng như vật đặt cược trong cuộc đấu.
Cho đến năm 1947, đường biên giới kỳ quặc này lại được cho là do một viên chức người Anh vô tình làm nhỏ mực lên bản đồ trong cơn say xỉn.
Còn trong thực tế, lịch sử hình thành của những khoảnh đất nhỏ này được hình thành sau khi quốc vương vùng Cooch Behar ký hiệp ước hòa bình với hoàng đế của đế chế Mughal ở Delhi nhằm phân chia cũng như kiểm soát dân cư đóng thuế.
Dù có nhiều câu chuyện để lý giải cho sự ra đời của đường biên giới chồng lấn rắc rối này. Song kết quả cuối cùng mà chúng đem lại vẫn là hàng loạt điều điên rồ cho cư dân của cả hai quốc gia.
Những phần lãnh thổ tách rời và câu chuyện dở khóc dở cười về biên giới
Ấn Độ và Bangladesh chia sẻ với nhau một đường biên giới zigzag dài khoảng 4.100 km được vẽ vội vàng vào năm 1947. Vì thế, trên lãnh thổ của hai quốc gia đã vô tình tồn tại những khoảng đất vốn thuộc chủ quyền của nhau. Dù những khoảng đất này có diện tích nhỏ đến nỗi không thể nhìn thấy hết được trên các bản đồ lẫn thực địa. Tuy nhiên, sự chồng chéo của chúng lại khiến hơn 50.000 người dân sống trên đó gặp rắc rối về hộ chiếu và thị thực.
Nguồn cơn của câu chuyện chéo ngoe này bắt đầu khi Ấn Độ giành được độc lập và Bangladesh tách ra từ Pakistan vào năm 1971. Hai quốc gia đều từ chối quản lý phần lãnh thổ tách rời của mình, khiến cho các cư dân rơi vào tình trạng không có quốc tịch.
Còn ở khía cạnh địa lý, hai quốc gia có một đường biên giới vô tiền khoán hậu khi thôn xã của nước này nằm trong tỉnh lị của nước kia.
Nỗ lực "nắn" lại đường biên giới
Vì có quá nhiều bất tiện trong quản lý, từ năm 1974, cả Ấn Độ và Bangladesh đã cùng thỏa thuận để dần "nắn" lại đường biên giới. Phương án được đưa ra là Ấn Độ sẽ nhượng không lấy bồi thường toàn bộ phần đất tách rời của mình cho Bangladesh (diện tích tương đương bán đảo Hong Kong). Tuy nhiên, vì một số lý do khách quan mà phải đến năm 2015, quá trình này mới được thực hiện và hoàn tất.
Người dân sống ở khu vực này đã được tự do lựa chọn quốc tịch cũng như hưởng các quyền mà công dân của một nước được hưởng, còn chính phủ hai bên thì có điều kiện tập trung vào những vấn đề quan trọng hơn.