Truyền thuyết và truyện cổ tích Việt Nam có ghi chép rất nhiều về sự xuất hiện của sinh vật có tên gọi Thuồng Luồng hay Giao Long. Chúng thường có thân hình cao lớn, thuộc loài thủy quái và rất dữ tợn. Dọc các sông lớn ở khu vực Bắc Bộ xưa kia, thường có những đền thờ thần Thuồng Luồng, gọi là Giao Thần. Vậy thủy quái trong truyền thuyết này thực ra là loài vật nào trên thực tế?
Truyền thuyết về Thuồng Luồng
Theo miêu tả xưa, thuồng luồng là sinh vật sống ở vùng nước lớn, đầu hình rồng, mình giống rắn và có đẩy đủ tứ chí. Đối với các ngư dân thời đó, thuồng luồng là nỗi khiếp sợ vì hay đánh phá tàu thuyền, bắt bớ người để ăn thịt. Lại có truyện kể thuồng luồng chỉ ăn thịt những kẻ ác khi chúng đi sông nước, còn với người lương thiện thì sẽ không làm gì gây hại, ngược lại còn dùng quyền năng vốn có để ban của cải, châu báu cho.
Thuồng luồng và tục xăm mình của người Việt cổ
Thuồng luồng đã xuất hiện trong các ghi chép lịch sử của người Việt. Trong Đại Việt Sử ký toàn thư, phần Ngoại kỷ - Hồng Bàng, An Dương Vương, có đoạn: ‘…Vua các đời đều gọi là Hùng Vương. Bấy giờ dân ở rừng núi thấy ở sông ngòi khe suối đều có tôm cá, nên rủ nhau đi bắt cá để ăn, thường bị thuồng luồng làm hại, đến thưa với vua.’
Dù có hình dạng gần giống với rồng, nhưng thuồng luồng vẫn chưa phải là rồng và cực kỳ sợ rồng. Xuất phát từ niềm tin này, người Việt cổ đã có tục xăm mình để dọa thuồng luồng. Đại Việt Sử ký toàn thư, phần Ngoại kỷ - Hồng Bàng, An Dương Vương, chép: ‘Vua nói: Người man ở núi khác với các loài thủy tộc; các thủy tộc ấy ưa cùng loài mà ghét khác loài, cho nên mới bị chúng làm hại. Rồi vua bảo mọi người lấy mực vẽ hình thủy quái ở mình. Từ đấy thuồng luồng trông thấy không cắn hại nữa.’
Tục xăm mình của người Việt cổ bắt nguồn từ nỗi sợ thuồng luồng làm hại khi đi sông nước, kéo dài đến tận thời vua Trần Anh Tông mới chấm dứt.
Hình tượng đời thực của thuồng luồng là gì?
Theo sách Hoài Nam Tử, thiên ‘Đạo ứng’ chép rằng: ‘Đất Kinh có người tên là Thứ Phi, được bảo kiếm ở đất Can Đội, khi đi về qua sông Giang (Dương Tử), đến giữa sông nổi sóng lớn, có hai con giao long vây lấy thuyền. Thứ Phi bình tĩnh cầm kiếm nhảy xuống sông giao chiến với giao long, sau một trận chiến dữ dội Thứ Phi chặt được đầu giao long, người trong thuyền đều sống cả.’ Sách này còn miêu tả thuồng luồng như sau: ‘Da nó có từng hột (vẩy dày), người đời cho miệng nó là miệng gươm đao.’
Sách Tiền Hán thư, ‘Vũ Đế Kỷ’ chép, vua Hán Vũ Đế từ sông Tam Dương đi thuyền ra sông Dương Tử, ngắm cảnh, dùng cung tên bắn được con giao long khổng lồ ở giữa sông.
Dễ thấy rằng trong các miêu tả lẫn sách vở này, thuồng luồng hay xuất hiện ở khu vực sông Dương Tử. Nhiều người đã đưa ra giả thuyết cho rằng thuồng luồng hay giao long được nhắc đến có khả năng chính là cá sấu sông Dương Tử, một loài sinh vật hung hãn vẫn còn tồn tại cho tới tận ngày nay.