Trong những năm gần đây, các bộ manga và anime chủ yếu được khai thác theo đề tài học đường hoặc là isekai. Đây không phải đề tài khó hiểu, khi những đề tài này vốn rất được các độc giả ở độ tuổi từ 12 - 35 yêu thích và luôn ngóng chờ từng chương được ra mắt mỗi tuần. Tuy nhiên, đâu đó vẫn có những tác phẩm không hề đi theo con đường hay định hướng của số đông mà lại đi theo một hướng đi đặc biệt khác - khai thác về đề tài lịch sử, giống như bộ truyện có tên Golden Kamuy của tác giả Satoru Noda.
Câu chuyện bắt đầu khi người lính Sugimoto Saichi với biệt danh Bất Tử trở về từ cuộc chiến tranh Nga Nhật thời kì Minh Trị. Mục tiêu chính của Sugimoto muốn kiếm thật nhiều tiền để chăm lo cho gia đình của người bạn đã tử trận trong chiến tranh.
Trong một lần đi mò vàng ở Hokkaido, Sugimoto tình cờ nghe được câu chuyện về tấm bản đồ kho báu được xăm lên cơ thể người từ một lão già. Những tưởng lão già đó nói đùa, nhưng đến khi nhìn thấy hình xăm bằng than trên lưng lão thì anh bắt đầu tin vào điều này. Sau đó anh bị gấu tấn công và được một cô bé người Ainu tên Asirpa cứu sống. Từ đó, cả hai cùng nhau bước vào chuyến phiêu lưu đầy mạo hiểm để tìm tới kho báu vàng trong truyền thuyết của người Ainu.
Về cơ bản, Golden Kamuy miêu tả về cuộc chiến đẫm máu, vô tình giữa nhiều thế lực khác nhau để sinh tồn và giành giật kho báu. Tuy nhiên, ngoài hai nhân vật chính thì phía sau mỗi nhân vật phụ cũng ẩn chứa những câu chuyện sâu sắc. Sau những đoạn hồi tưởng, độc giả sẽ được tiếp nhận nhân vật dưới nhiều góc độ hơn, thậm chí còn có thể cảm thông với lý tưởng riêng của mỗi người.
Song song bên cạnh đó, những cuộc chiến khốc liệt thì văn hóa Ainu cũng đóng phần quan trọng trong việc phát triển mạch truyện. Trong hành trình tìm kiếm những tên tù nhân xăm tấm bản đồ, Sugimoto được Asirpa chỉ cho rất nhiều điều về văn hóa của người Ainu, bao gồm cả những chi tiết nhỏ nhất.
Từ việc đi săn đến trang phục, từ truyền thống vừa nấu ăn vừa nói "Citatap" đến việc nói "Hinna, hinna" để cảm ơn vì bữa ăn. Thật hiếm có bộ manga nào kết hợp được nhuần nhuyễn giữa các yếu tố ẩm thực – văn hóa – lịch sử như Golden Kamuy. Tất cả được sắp xếp rất tinh tế, hài hòa để độc giả không chỉ thấy những mặt tăm tối, chết chóc của chiến tranh. Điều này giúp người xem có thể khám phá thêm những điều mới lạ về một nền văn hóa tưởng chừng đã bị lãng quên.
Về mặt hình ảnh, có thể thấy Satoru Noda vô cùng chau chuốt cho ‘đứa con’ của mình. Nét vẽ của bộ truyện gây được ấn tượng mạnh với độc giả bởi phong cách độc đáo, đặc tả những cuộc chiến một cách chân thực, thậm chí có phần rùng rợn. Các nhân vật được vẽ rất tỉ mỉ với những nét rất riêng. Chẳng hạn như Sugimoto Bất Tử thì bất tử thật, nhưng chiến tranh đã để lại trên người anh chằng chịt những vết sẹo. Ngoài ra, điểm cộng là biểu cảm nhân vật rất phong phú. Trong những phân cảnh hài hước, đường nét khuôn mặt của nhân vật thật… một lời khó nói hết.
Nhìn chung, Golden Kamuy được đánh giá cao không chỉ ở Nhật Bản mà còn trên toàn thế giới. Bằng chứng là từ khi ra mắt năm 2014 đến nay, bộ truyện đã nhận được rất nhiều giải thưởng và có tới hơn 10 triệu bản in. Câu chuyện đi săn vàng vẫn đang ở tầm cao trào và vẫn đang thu hút được rất nhiều sự chú ý. Chắc chắn rằng trong tương lai, bộ manga này vẫn còn nhiều điều thú vị và hấp dẫn hơn đang chờ đợi độc giả.