Nếu như bạn là một game thủ từng vọc qua các tùy chỉnh đồ họa cho các tựa game trên PC, thì motion blur có lẽ là một thuật ngữ không còn xa lạ nữa. Một vài người thích cái sự mờ mờ trên màn hình khi quay chuột đó, và một vài người thì không. Nhưng chính xác thì motion blur là gì, và bạn, với tư cách là người chơi, có nên bật nó lên không?
Motion blur (hiệu ứng làm mờ chuyển động) là một hiệu ứng hình ảnh phổ biến trong nhiếp ảnh, phim hoạt hình hoặc video game. Hiểu đơn giản nhất thì motion blur có tác dụng chuyển tải một cách trực quan chuyển động của vật thể qua nhiều cách. Và motion blur, kể từ khi xuất hiện trong video game đến nay đã trải qua một lịch sử với nhiều biến thể khác nhau.
Bạn có thấy cái xe bus bị mờ đi theo chiều di chuyển không? Motion blur đấy
Frame Buffer Accumulation Blur
Lịch sử của motion blur trong video game quay ngược lại đến thời kì của những máy Playstation 2 (bán ra năm 2000). Nhờ vào cấu trúc đặc biệt, nên dù không cạnh tranh về cấu hình được so với Xbox mạnh mẽ hơn, hệ máy huyền thoại của Sony có thể xuất ra những những lớp vân phủ bề mặt trong suốt (transparent texture) hoặc những hiệu ứng phối lớp với tần suất cao. Điều này tạo cơ hội cho các nhà phát triển đưa ra những giải pháp hình ảnh phù hợp để nâng cao chất lượng đồ họa cho game. Đơn cử như việc giúp cho những lớp sương mù kì bí trong series Silent Hill nhìn thật hơn, che đi việc bạn không nhìn xa được đơn giản là do cấu hình Playstation 2 không cho phép.
Lớp sương trong Silent Hill 2
Đến đây, những nhà làm game nhận ra rằng họ có thể tạo ra những hiệu ứng mô tả chuyển động nhờ vào khả năng này của Playstation 2, và Frame Buffer Accumulation Blur (FBAB) ra đời. Thử tưởng tượng ngồi trước tivi trong một căn phòng tối và vẩy vẩy tay trước mặt. Bạn sẽ thấy như thể có một chuỗi những lớp bàn tay của bạn nối tiếp nhau tạo nên một mạch chuyển động. FBAB hoạt động tương tự như vậy. Chương trình sẽ lấy từng khung hình trước, rồi ghép chúng lại với nhau với những khung hình càng cũ thì độ trong suốt càng cao. Kết quả là mọi thứ trên màn hình sẽ mờ mờ ảo ảo nhưng khi bạn chóng mặt vậy.
Có khá nhiều những tựa game Playstation 2 áp dụng kiểu motion blur này trong cả gameplay lẫn những đoạn cắt cảnh. Một điều dĩ nhiên là FBAB, ngoài việc tăng tính “chân thực” cho trò chơi, còn có tác dụng chuyền tải những trạng thái như ốm đau hoặc chóng mặt của nhân vật.
FBAB trong Max Payne 2: The Fall of Max Payne
Tuy nhiên có một vấn đề nảy sinh: đó là khi một vật di chuyển quá nhanh khiến cho vị trí của vật đó trong khung hình thứ nhất nhất cách xa vị trí trong khung hình thứ hai, và khiến cho tựa game mang đến một cảm giác gượng gạo và nôn nao. Đó là do khoảng cách của vật trong hai khung hình liên tiếp bị trống. Để giải quyết vấn đề này, giải pháp duy nhất là tăng số khung hình trên giây (FPS) lên. Nhưng tưởng tượng một vật di chuyển 1000 pixel trong một giây, vậy thì để làm khiến cho motion blur của vật này hoàn hảo, bạn cần 1000 FPS để không tạo ra bất kì khoảng trống nào giữa các khung hình. Điều này đương nhiên là không thể và khiến cho mặt trái lớn nhất của FBAB lộ rõ.
Per-pixel Motion Blur và Per-object Motion Blur
Bắt đầu từ hai hệ máy console Playstation 3 và Xbox 360, hai giải pháp ít tốn hiện năng và hiệu quả hơn là per-pixel motion blur và per-object motion blur được đưa vào. Bằng cách sử dụng các pixel tạo nên một vật thể trong khung hình trước và sau, sau đó tính toán hướng di chuyển và sự khác biệt, chương trình sẽ cho ra một hình ảnh ở giữa bị làm nhòe đi của hai khung hình kia. Phương pháp này không yêu cầu FPS quá cao, nhưng lại mang đến một bất cập khác.
Tại vì hai dạng motion blur này làm việc như một hiệu ứng hậu kì (post-processing effect) sau khi khung hình đã được xuất ra, nên chúng chỉ lấy mẫu của vật thể đang chuyển động mà thôi. Điều này có nghĩa rằng phông nền hay bất kì thứ gì đằng sau đôi khi sẽ bị che khuất.
Để ý cây súng bị làm mờ trong Lost Planet che khuất phần đằng sau
Một vấn đề nữa mà motion blur gặp phải đó chính là đôi khi nó làm quá đi nhiệm vụ của mình. Có rất nhiều tựa game gặp phải tình trạng bị làm mờ một cách quá đáng, nhất là khi camera di chuyển theo chiều ngang, tạo cảm giác chóng mặt nếu chưa quen.
Tất nhiên không phải tựa game nào sử dụng per-pixel motion blur hay per-object motion blur đều xấu xí; nếu như được dùng đúng cách, chúng có thể trở nên rất đẹp và đầy tính nghệ thuật, chuyền tải sự chuyển động một cách hiệu quả. Đơn cử như Mirror’s Edge hoặc Portal, vốn là hai tựa game đề cao sự di chuyển trong gameplay. Hoặc đơn giản hơn là trong tùy chỉnh đồ họa có cho điều chỉnh độ dày của motion blur, như Doom (2016) hoặc phiên bản Crysis đầu tiên.
Crysis 3 và một đống mờ mờ
Gameplay của Mirror’s Edge. Để ý phần viền màn hình là có motion blur, trong khi phần trung tâm thì hoàn toàn không có
Kết
Vậy bạn có nên bật motion blur khi chơi game không? Câu trả lời là có, nếu như tựa game đó áp dụng motion blur đúng cách. Motion blur mang đến cảm giác nhanh và mạnh mẽ, góp phần tăng tính thẩm mỹ cho tựa game. Nhưng nếu như bạn dễ dàng chóng mặt khi chơi game và không muốn màn hình bị mờ đi không rõ, thì bạn có thể tắt đi tính năng này.
Tham khảo Digital Foundry