Khi dân tình đang sục sôi vì iPhone X ra mắt trời Mỹ, thì thế giới của các fan hâm mộ của làng giải trí Hoa ngữ cũng nóng không kém nhờ khoảnh khắc cực kỳ xuất sắc của “Nữ hoàng Cbiz” Phạm Băng Băng.
Trên sân khấu của một chương trình từ thiện, mỹ nhân họ Phạm đã kéo tay Dương Mịch lại gần, để vừa khỏi phải đứng cạnh Tần Hải Lộ (người vốn có xích mích từ trước), vừa không làm mất lòng bất kỳ ai. Hành động ấy đã nhận được sự đánh giá rất cao từ người hâm mộ, đồng thời chứng minh cho mọi người thấy rằng cô có chỉ số “EQ” cao ngất ngưởng.
EQ là viết tắt của Emotional quotient – còn gọi là trí tuệ cảm xúc, hoặc chỉ số cảm xúc. Và có lẽ bạn cũng như tôi, đang tò mò muốn tìm hiểu xem thực sự đây là chỉ số gì, và nó có vai trò quan trọng như thế nào đến việc thành bại trong cuộc sống của mỗi chúng ta?
EQ – chỉ số quan trọng không kém gì IQ
Trong hành trình phát triển của xã hội, trí thông minh (đo bằng chỉ số IQ) đóng một vai trò nổi trội, thể hiện khả năng tư duy, giải quyết thông tin của từng cá nhân. Tuy nhiên với đa số chúng ta, EQ còn quan trọng hơn thế.
EQ – Trí tuệ cảm xúc được hiểu là năng lực nhận biết và quản lý cảm xúc của bản thân và những cảm xúc của người khác. Và thực sự thì trong mọi xã hội, sự thành công của một cá nhân phần lớn dựa vào khả năng đọc và kiểm soát cảm xúc giữa người với người, từ đó đưa ra những phản ứng phù hợp.
“Chỉ số EQ phản ánh khả năng thấu hiểu người khác, từ đó thúc đẩy sự hợp tác giữa người với người,” – trích lời Howard Gardner, một chuyên gia đến từ ĐH Harvard.
Theo Gardner, mỗi chúng ta cần có EQ ở mức tương đối, vì rất hiếm ai có thể thành công mà không cần đến sự hợp tác của mọi người trong xã hội.
Và đặc biệt, các nhà lãnh đạo nổi tiếng thế giới đều sở hữu chỉ số EQ rất lớn, thể hiện qua cách họ đối nhân xử thế.
Nhưng tất nhiên, không phải vì thế mà IQ không quan trọng. Trên thực tế, việc IQ hay EQ quan trọng hơn đã gây ra rất nhiều tranh cãi trong hàng thập kỷ.
“IQ cao giúp học tốt, còn EQ cao giúp cuộc sống sau này tốt hơn” – đó là câu châm ngôn của nhưng người ủng hộ EQ. Để phản bác, có nhiều khảo sát được đưa ra cho thấy IQ quyết định 14% khả năng làm việc của chúng ta, trong khi EQ chỉ là 1%.
Nêu vậy để thấy, IQ hay EQ là 2 chỉ số rất cần thiết. Chúng độc lập, nhưng bổ sung cho nhau, vì EQ cao sẽ giúp IQ phát triển hơn, và ngược lại. Chỉ có điều, EQ là một chỉ số không ổn định, vì nó chịu chi phối bởi khá nhiều yếu tố ngoại cảnh.
Một người có thể đọc được cảm xúc của bạn bè rất tốt, nhưng chịu chết với các nhà tuyển dụng trong các buổi phỏng vấn xin việc. Một người rất dễ nổi cáu trong kỳ thi, nhưng lại dễ tha thứ hơn khi buổi kiểm tra cuối cùng khép lại. Đó là những hiện tượng bình thường khi nói đến trí tuệ cảm xúc ở mỗi người.
EQ có thể rèn luyện không?
Một số người sinh ra đã mang khả năng thấu hiểu người khác ở một mức độ đặc biệt. Số khác có được nó thông qua quá trình rèn luyện và giáo dục từ bên ngoài.
Trí tuệ cảm xúc dễ được hấp thụ nhất trong những năm đầu đời. Trẻ em có thể rèn luyện EQ bằng cách tập chia sẻ, hợp tác với bạn bè, học cách tôn trọng sự riêng tư của người khác. Người trưởng thành cũng có thể rèn luyện EQ, chỉ là mức độ bị hạn chế và cần đến một vài khóa huấn luyện chuyên nghiệp thôi.
Quá trình giáo dục có vai trò quan trọng giúp con người hình thành trí tuệ cảm xúc
IQ thì hơi khó hơn, vì nó liên quan nhiều đến di truyền. Tuy vậy, cũng có những phương pháp giúp chúng ta rèn luyện tư duy – như giải đố, luyện tập giải quyết vấn đề, tư duy vượt giới hạn…
Tổng hợp